Cần đưa giáo viên đi nước ngoài học nâng cao để tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số

18/10/2023 - 15:12

PNO - Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Tri Thức cho rằng ngành giáo dục TPHCM nên kiến nghị giáo viên được đi nước ngoài học nâng cao, để giáo dục sớm tiếp cận với khu vực và thế giới.

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 17/10, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Đại biểu Quốc hội TPHCM - đặt ra nhiều vấn đề cho ngành giáo dục thành phố.

Theo ông, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, AI trong thời đại chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, thời đại công dân toàn cầu hiện nay là vô cùng quan trọng. Thế nhưng hiện nay nhân lực để đào tạo những lĩnh vực này trong trường học thì lại không có. Do vậy, ngành giáo dục cần chú ý sâu hơn, có ý kiến về chế độ chính sách để ngành giáo dục có đủ nhân lực, vật lực, tài lực, để đào tạo về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, AI.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức cho rằng ngành giáo dục thành phố nên kiến nghị cho giáo viên đi nước ngoài đào tạo lại
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức cho rằng ngành giáo dục thành phố nên kiến nghị cho giáo viên đi nước ngoài học nâng cao

“Muốn đào tạo được cho học sinh thì đội ngũ giáo viên cũng phải đào tạo lại. Như vậy, thầy cô cần phải kiến nghị sử dụng ngân sách nhà nước để giáo viên được đi nước ngoài tiếp cận công nghệ trong vòng 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm giống như cách mà ngành y tế đang áp dụng. Tại TPHCM hiện nay, tính trong tất cả giáo viên từ tiểu học đến THPT thì bao nhiêu người được đi nước ngoài đào tạo lại theo ngân sách nhà nước. Thầy cô phải đi học ở nước ngoài thì mới về áp dụng tại Việt Nam được. Chứ nếu cứ xoay quần trong nội bộ mình thì cũng khó tiếp cận với khu vực và thế giới” - đại biểu Nguyễn Tri Thức đặt vấn đề.

Cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho hay, số trẻ tự kỷ hiện nay đang ngày càng nhiều, giáo dục trẻ tự kỷ lại gặp rất nhiều khó khăn, chưa có sự tập trung triệt để. Trong khi đó, ở nước ngoài, giáo dục trẻ tự kỷ có một kênh giáo dục riêng, trong đó đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của ngành giáo dục cho đến thầy cô giáo, về tiền lương, chế độ, cơ sở vật chất. Đây là hướng mà ngành giáo dục TPHCM cần phải nghĩ đến.

“Ngành giáo dục cần nêu rõ những khó khăn trong giáo dục trẻ tự kỷ và cần thiết phải chuẩn bị những gì trong tương lai gần để có một kênh giáo dục trẻ tự kỷ. Đa số trẻ tự kỷ là những trẻ rất giỏi một mặt nào đó. Nếu chúng ta có một kênh giáo dục riêng, chuyên biệt, đầy đủ thì sẽ tận dụng được chất xám rất lớn trong việc phát triển về khoa học kỹ thuật” - ông gợi ý. 

Đặc biệt, theo ông, ngành giáo dục TPHCM cần chỉ rõ khó khăn trong việc giáo dục học sinh cá biệt. Học sinh cá biệt nếu càng đình chỉ học tập thì càng đẩy các em đến “hố sâu”. Đã là giáo dục học sinh cá biệt thì cần phải có một hệ thống giáo dục riêng từ chế độ đến con người. Nếu kiêm nhiệm rất nhiều vị trí, nhiệm vụ như hiện nay thì một con người không thể hoàn thành hết các nhiệm vụ. 

“Các thầy cô cần có ý kiến để các cấp từ Chính phủ, Quốc hội có những chuẩn bị, tháo gỡ cho ngành giáo dục” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức nêu. 

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - đề nghị đặt hàng thêm ngành giáo dục nghiên cứu cách sử dụng cơ sở vật chất, khai thác tốt nhất trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đồng thời nghiên cứu đề xuất các quy định cần sửa, cần bổ sung khi áp dụng cơ chế tự chủ. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI