Cần đổi mới chương trình giáo dục mầm non

18/10/2024 - 07:24

PNO - Ngày 17/10, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo giáo viên đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non”.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ của đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”. Hội thảo xoay quay các nội dung: Định hướng đổi mới trong xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Các năng lực cốt lõi cần có của giáo viên để đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Vấn đề phát triển năng lực cho sinh viên ngành giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới; năng lực xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc và giáo dục trẻ… Những vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của các trường sư phạm, mà còn là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT trong chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.

bậc học mầm non là nền tảng căn bản cho sự phát triển, từ đó hình thành sơ đồ nhận thức của con người.
Bậc học mầm non là nền tảng căn bản cho sự phát triển, từ đó hình thành sơ đồ nhận thức của con người

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá bậc học mầm non là nền tảng căn bản cho sự phát triển, từ đó hình thành sơ đồ nhận thức của con người. Đây cũng là cấp học đặt nền móng ban đầu nhằm hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Các chuyên gia cũng khẳng định, giáo viên mầm non chỉ có thể giúp cho trẻ phát triển tối đa tiềm năng khi có đầy đủ kiến thức, năng lực về môn học cũng như kiến thức về sự phát triển của trẻ. Thực tiễn này đòi hỏi đổi mới chương trình giáo dục mầm non; đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội và ngành. Đây cũng là vấn đề quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non. Dự báo, đến năm 2030 thiếu 55.416 biên chế giáo viên ở cấp học này.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI