Cân đo một đời

10/03/2024 - 06:13

PNO - Đối với người không có tình yêu, tình yêu là thứ ánh sáng quá chói chang, không thể tiếp nhận, là một sự xúc phạm không thể lý giải.

Nhà gần cuối con hẻm cụt, bình thường hầu như không ai vô ra, nhưng bữa nay thấy mợ Len xách giỏ đi tới đi lui trước cổng nhà hơn tiếng đồng hồ. Thông tin từ quán cà phê của ông Bảy đầu hẻm cho biết mợ bị cô Nhung phạt vì lỗi làm mất chìa khóa.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô Nhung là giáo viên về hưu, là chị đầu trong gia đình có 3 chị em gái và 1 cậu út. Các cô con gái được đặt tên lần lượt là Nhung, Len và Gấm. Ngôi nhà ông bà để lại nay còn 3 chị em gái sống với nhau, cả ba đều không lập gia đình. Mợ Len là người hay nói chuyện nhất trong nhà, mợ hay đi chợ, chỉ mua bó rau, mấy lạng tôm hay chục trứng, nhưng mợ rề rà ngoài chợ tới gần trưa mới về.

Mợ hay quên chìa khóa, mất chìa khóa, tiếng chuông cửa kêu binh boong từ cổng vô nhà làm cô Nhung bực bội. Lâu lâu, cô Nhung phạt mợ đứng ngoài cổng, mợ cũng giận lắm, không thèm nói năng mấy ngày, nhưng rồi chỉ vài tuần sau, mợ lại quên chìa khóa ở đâu đó hay làm mất và lại bị phạt.

Tết rồi, cậu Út về ăn tết với 3 chị. Cậu rời quê hương đi mấy chục năm, lấy vợ đầm, sinh con không nói rành tiếng Việt. Cũng có lần cậu đưa cả gia đình về thăm mấy chị, nhưng vợ con ở khách sạn, chỉ mình cậu về nhà. Tết này, cậu đi cùng với người bạn, nhất định về ở nhà ba má, đón giao thừa với 3 chị cho vui.

Người bạn cậu chắc là được giới thiệu trước với ngầm ý nên duyên cùng mợ Gấm, nên mấy ngày tết cứ lăng xăng trong nhà, phụ mợ đủ thứ việc. Mợ Gấm vốn trẻ hơn cái tuổi 46. Chút ngượng ngùng còn sót lại, chút khép nép giữ gìn trước ánh mắt của 2 chị, chút rung rinh trong lòng… tất cả còn khiến mợ trẻ ra hơn. Hết tết, 2 người đàn ông rời đi, dường như có cái ước hẹn nào đó đã ở lại. Mợ Gấm thông báo với 2 chị tin động trời: mình sẽ lấy chồng, sẽ theo chồng sang xứ xa, sẽ bắt đầu làm hồ sơ từ bây giờ.

Mợ Len nói lấy chồng làm chi, hầu hạ không công cho người ta, đã… ế tới tuổi này rồi, ở một mình cho sướng. Cô Nhung đằm tính hơn, cô vẫn coi mình là người giữ gìn gia phong, nên cô suy nghĩ hết 1 tuần rồi mới kêu mợ Gấm vô bàn ngồi nói chuyện.

Cô hỏi: lấy chồng để làm chi? Mợ Gấm không biết trả lời sao, con thì không thể có được nữa rồi, giờ chỉ có con riêng của chồng thôi, nhà thì không lấy chồng cũng đã có, tiền thì không chắc, tình thì chắc chi (cái này là nhận định của 2 chị).

Cân đo đong đếm ra, lấy chồng là xa chị em, thiếu thốn tình cảm, phải phục vụ con chồng nhà chồng, ở chỗ lạ lùng tiếng nói không thông thạo, không bạn bè, không công việc. Mợ Gấm nghe chị nói suốt buổi chiều, đêm đó nằm khóc như mưa, cũng không hiểu vì sao mình khóc. 

Ngôi nhà cuối hẻm, cánh cổng nhỏ vẫn khép bình yên. Mợ Len đợi hồi lâu mà cổng không mở, đã đi thẳng qua quán cà phê của ông Bảy. Nhờ đó, dân tình trong xóm biết mợ Gấm đã im lặng bỏ ra ngoài ở, cầm theo cả chìa khóa, giờ nhà chỉ có 1 chùm chìa khóa, cô Nhung giữ, không cho đánh thêm chìa. Vụ chìa khóa làm 2 bà chị thêm bừng bừng lửa giận (nó già đầu rồi mà dại, đi theo trai, tính tới tính lui, chỉ có mình lỗ thôi chớ lợi lộc gì mà ham…).

Ông Bảy bàn vô: chị ngã em nâng, thôi, cứ để cho cô Gấm đi lấy chồng, lỡ mà có sao thì lại trở về đây với 2 chị chứ có gì đâu. Mợ Len quày quả đứng dậy về thẳng, không nói gì. Đối với người không có tình yêu, tình yêu là thứ ánh sáng quá chói chang, không thể tiếp nhận, là một sự xúc phạm không thể lý giải. Thật khó mà chia sẻ cảm giác đang yêu, đang được yêu với một người chưa hề trải qua hay không hề có thứ cảm xúc mong manh, mãnh liệt ấy. 

Không dưng mà hội bà tám ở quán cà phê sáng hôm đó im lặng hồi lâu sau khi mợ Len bỏ về. Mỗi người như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Cân đo lắm cũng chỉ phí một đời. Chẳng phải vì mình cân đo chính xác được mà rồi có thể có người tới để trả cho mình đúng bằng số mà mình đã cân được, đếm được.

Ảnh mang tính minh họa - User18526052
Ảnh mang tính minh họa - User18526052

Mợ Gấm đã băng ra khỏi cánh cổng ấy, đã quyết định cắt may giấc mơ đời mình trên mảnh gấm sang trọng mà mẹ cha đã dệt nên. Chẳng biết mai này rồi sẽ ra sao, nhưng ít ra người đàn bà ấy cũng đã thoát ra khỏi số phận của những tấm vải nhung chưa được may thành áo, những cuộn len chưa một lần mang hơi ấm cho ai. 

Người viết bài này còn biết, bữa sau đó, mợ Gấm có về xóm, gửi cho ông Bảy chùm chìa khóa. Mợ nói giờ nó vô ích rồi, nhờ ông Bảy đưa cho cô Nhung, để trong nhà mỗi người đều có chìa khóa riêng, đi về tự do không bị gò bó. Ông Bảy không tính đưa cho cô Nhung, biết đâu cổ giữ luôn. Ông sẽ đợi mợ Len đi chợ để đưa tận tay.

Ông tính dặn mợ: ai cũng nên giữ lấy chùm chìa khóa của mình, mất thì làm lại chớ có sao, cuộc đời này có được có mất mới vui, là vậy đó. 

Yên Mai

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI