Cần định nghĩa lại khái niệm “hy sinh”?

19/03/2016 - 18:28

PNO - Khi tình trạng “ly hôn xanh” bùng nổ khắp nông thôn lẫn thành thị, người ta lập tức lý giải bằng sự thay đổi của người phụ nữ trong hôn nhân.

Đặc biệt, có ý kiến xác định cụ thể rằng: “Khi phụ nữ không còn biết hy sinh, hôn nhân trở nên mong manh, dễ vỡ”. Có thực, phụ nữ ngày nay “không biết hy sinh”, và gốc rễ của đổ vỡ có bắt nguồn từ sự mai một “phẩm chất” ấy? Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã cùng ba bạn trẻ chia sẻ với báo Phụ Nữ về vấn đề này.

Can dinh nghia lai khai niem “hy sinh”?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

PV: Trong gia đình, từ lâu, sự hy sinh vẫn gắn liền với người phụ nữ. Ở thời đại này, khái niệm đó có gì khác không?

- Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Diễn giải về sự hy sinh có lẽ là không khác đi, nhưng cách người ta ứng xử thì đã khác. Từ thời mẹ tôi, đến thời tôi lập gia đình, rồi đến nay, là thế hệ của con cái tôi, thì rõ ràng phụ nữ đã nới lỏng ít nhiều “cái gông” hy sinh. Các bạn nữ trẻ đã biết sống cho mình, đã thôi đồng hóa giá trị của mình với giá trị gia đình, không còn như thời trước nữa.

- Vũ Minh Quang (Làm nghề tự do, TP.HCM): Hôn nhân là chuyện của cả hai giới, khi mà thiếu sự hy sinh của một trong hai người thì thời gian hôn nhân chỉ còn kéo dài tới lúc người níu giữ còn lại kiệt sức và buông bỏ, đổ vỡ chỉ là chuyện sớm muộn. Tôi không nghĩ phụ nữ ngày nay “không biết hy sinh”, nếu có thì chỉ là chưa biết cách hy sinh mà thôi.

Can dinh nghia lai khai niem “hy sinh”?

- Trần Thái Hiền (sinh viên khoa Giáo dục chuyên biệt, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM): Trong khi đàn ông thoải mái nhậu nhẹt sau giờ làm, thì phụ nữ phải quay về lo cơm nước, con cái, và chuyện đó diễn ra như việc đương nhiên, ngày này qua ngày nọ. Đó là những biểu hiện hy sinh điển hình của người phụ nữ mà đến giờ tôi vẫn còn được chứng kiến.

- Trần Phượng Linh (Giảng viên khoa Văn học & Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Hy sinh vốn là một động từ, nhưng khi áp vào người phụ nữ, nó trở thành tính từ - một phẩm chất. Trong khi hành động là do con người chủ động, thì phẩm chất lại mang tính khuôn mẫu, ràng buộc. Nhưng theo tôi thấy, ở thời nào thì hy sinh vẫn luôn là một trong những thước đo đức hạnh của người phụ nữ.

* Vậy đức hạnh là gì? Người phụ nữ có quyền theo đuổi cách lý giải đức hạnh của riêng họ không?

- Vũ Minh Quang: Theo tôi “đức hạnh” là những chuẩn mực và kỳ vọng của xã hội mong muốn tìm thấy ở một người phụ nữ. Và dù lý giải đức hạnh theo nghĩa nào, thì mỗi người đều phải đảm bảo những “mẫu số chung” về đạo đức mà xã hội đặt ra.

- Trần Thái Hiền: Đức hạnh với người phụ nữ cũng giống như nhân cách nói chung với một con người. Vì là sinh viên ngành sư phạm nên tôi luôn điều chỉnh mọi thứ để đạt được hình ảnh một nhà giáo có nhân cách. Tôi nghĩ, ở phụ nữ cũng vậy, đức hạnh là trạng thái đạt được những kỳ vọng, chuẩn mực của xã hội lên họ, trong đó có sự hy sinh.

- Trần Phượng Linh: Quan điểm của mỗi người về phụ nữ đức hạnh rất khác nhau. Nhưng những định kiến xã hội đã có một sức khống chế mạnh mẽ, tạo nên những quy ước về “mô hình” một người phụ nữ đức hạnh. Trong cơ quan nhà nước, một danh hiệu mang dấu ấn giới rõ ràng nhất, lại là danh hiệu "Hai giỏi". Đúng là nếu vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, thì cũng đáng được khen tặng thật. Nhưng, tại sao danh hiệu ấy chỉ dành cho phụ nữ? Điều đó tạo nên thế cân bằng giả tạo của hầu hết những cuộc hôn nhân, và hàng trăm bất ổn có thật trong lòng người phụ nữ.

- Trần Thái Hiền: Tôi có quen một người đàn ông. Từ khi có vợ, anh chỉ ở nhà, cun cút nội trợ, làm hết mọi việc giặt giũ, nấu nướng để vợ yên tâm làm quản lý ở công ty. Hình ảnh của anh lập tức trở thành một “tấm gương xấu”, mọi người đều cho là anh nhu nhược, yếu đuối khi hy sinh cả sự nghiệp của mình để làm “chuyện đàn bà”. Nhưng anh khẳng định, mình làm vì sở thích và niềm vui chứ không phải hy sinh.

* Quay lại vấn đề của phụ nữ, nếu họ làm mọi điều vì mình thích, thì có gọi là hy sinh không?

- Vũ Minh Quang: Tôi cho rằng nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa “đức hạnh” và “hy sinh”. Đâu phải phụ nữ cứ hy sinh là có đức hạnh, cái quan trọng là họ “hy sinh” như thế nào và thể hiện đức hạnh ấy ra sao. Như câu chuyện của bạn thì nếu người vợ kia vẫn cứ “làm to” nhưng luôn biết cách khôn khéo tỏ ra nhún nhường chồng, cho người chồng cảm thấy bản thân mình quan trọng, không bị lép vế trong vai trò nội trợ, tức là cô ấy cũng biết hy sinh vậy. “Hy sinh” cái quyền uy, hạ bớt cái tôi của mình vì một gia đình êm ấm lẽ nào không phải là “đức hạnh”?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI