Cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

10/04/2025 - 06:00

PNO - Thương mại bán lẻ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện nay, thương mại dịch vụ và bán lẻ đóng góp khoảng 55 - 60% vào GDP của cả nước, riêng với TPHCM, con số này lên tới trên 65%. Vì vậy, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP chung của cả nước là 8% thì thương mại bán lẻ cần tăng trưởng ít nhất 12% mới có thể đóng góp hiệu quả vào mục tiêu chung.

Để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ lên 12%, Chính phủ đã giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất… cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2025 tình hình chính trị và kinh tế thế giới liên tục có nhiều biến động phức tạp, rất cần thêm những giải pháp dài hơi.

Kích thích tiêu dùng trong nước cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế
Kích thích tiêu dùng trong nước cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế

Đầu tiên, phải phát huy vai trò của mô hình hợp tác xã để tạo đầu ra cho hàng Việt. Hiện nay, bản chất của mô hình hợp tác xã là hoạt động cộng sinh và điều đặc biệt là mô hình này không chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng đều có. Chúng ta cần thông qua sự bắt tay “đôi bên cùng có lợi” giữa hợp tác xã bán lẻ Việt Nam với các hợp tác xã ở các nước, qua đó trao đổi hàng hóa giúp sản phẩm Việt thâm nhập ra thế giới. Muốn làm được, phải có cơ chế, thể chế chính sách phát triển hợp tác xã tại Việt Nam tương đồng như hợp tác xã ở các nước. Thực tế, hiện nay mô hình này tại Việt Nam không được đặt trong sự quản lý như doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng không phải là doanh nghiệp nhà nước. Vì thế cần định hình rõ thuộc đối tượng chính sách nào mới có thể phát triển mô hình chia sẻ giúp hàng Việt đi xa.

Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp phải cơ cấu lại danh mục hàng hóa, thay vì bán cái mình có, phải bán cái thị trường cần. Đồng thời, phải tự điều chỉnh lại khả năng thích ứng bằng cách cá nhân hóa sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng, thể hiện trên bao bì, mẫu mã sản phẩm.
Vấn đề cuối cùng, đó là phát triển hệ thống dữ liệu lớn (big data) thương mại điện tử. Hiện tất cả hàng hóa Việt Nam đang phải “sống nhờ” các sàn thương mại điện tử nước ngoài. Điều này dẫn tới sự thiếu bền vững bởi các sàn quốc tế thường có xu hướng ưu tiên cho hàng hóa của nước họ, thay vì ưu tiên nhiều cho hàng Việt. Như vậy, hàng Việt sẽ ít có tương tác và không thể đẩy mạnh tiêu thụ được. Do đó, phải sớm hình thành các sàn lớn của Việt Nam, do người Việt quản lý. Muốn làm được phải có tầm quốc gia, thay vì doanh nghiệp cá nhân, đơn lẻ sẽ khó đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Mai Ca (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI