Ngày 15/3, Báo Phụ nữ THCM đã đăng bài Bạo lực gia đình - bi kịch của những đứa trẻ, phản ánh những hậu quả mà trẻ phải gánh chịu khi lớn lên trong gia đình thường xuyên xảy ra cảnh bạo hành. Trước thực trạng đau lòng này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Con số trẻ em bị xâm hại: Đáng lo ngại!
* Phóng viên: Vì sao chúng ta có Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra phổ biến, thưa ông?
- Ông Đặng Hoa Nam: Khi tham gia xử lý các vụ xâm hại trẻ em, chúng tôi nhận thấy, nhiều thành viên trong các gia đình không có kiến thức, kỹ năng về làm cha mẹ, còn các nạn nhân thường không biết quyền lợi của mình, không biết mình được luật pháp bảo vệ. Do đó, các cơ quan ban hành, thực thi pháp luật và các đoàn thể cần phải tăng cường tuyên truyền pháp luật, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ.
Để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả, cần phải có nguồn lực, bao gồm nhân lực và kinh phí. Phải đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em.
* Nhưng thưa ông, hiện nay, mỗi tỉnh, thành phố đều có trung tâm công tác xã hội trẻ em và mỗi xã, phường đều có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách về trẻ em…
- Đúng vậy. Nhưng các trung tâm công tác xã hội trẻ em ở cấp tỉnh, phòng công tác xã hội trẻ em ở cấp huyện đều có xu hướng tinh gọn bộ máy. Như ở TPHCM, trước đây, các đơn vị này hoạt động rất tốt nhưng nay dường như đã dừng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân, như ảnh hưởng của dịch COVID-19, không có kinh phí từ ngân sách, thiếu nhân lực. Nguồn lực bây giờ là do các địa phương tự phân bổ, cả về kinh phí lẫn con người.
Thực tế, chúng ta thiếu hụt đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp. Không có đội ngũ này thì rất khó giải quyết các vụ bạo lực trong gia đình, xâm hại trẻ em. Đáng tiếc là chúng ta có đào tạo nhân viên công tác xã hội nhưng lại bố trí họ làm các công việc hành chính. Họ không thể làm công tác xã hội đúng nghĩa. Họ cần có thời gian, không gian để tư vấn, vãng gia. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta có luật nhưng không thực thi hiệu quả.
Khi xử lý vụ bạo lực trong gia đình hay xâm hại trẻ em, không chỉ cần có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp mà đòi hỏi cán bộ tư pháp, công an thụ lý vụ việc phải có những kiến thức, kỹ năng về công tác trẻ em. Để khắc phục điều này, hiện nay, Bộ Công an đã có chỉ đạo về việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về công tác trẻ em cho các điều tra viên; các địa phương đã lập ra quy trình xử lý vụ việc, trong đó có sự phối hợp liên ngành gồm tư pháp, công an, Hội LHPN, đoàn thanh niên.
Đây là dấu hiệu cho thấy có sự quan tâm và cải thiện hoạt động bảo vệ trẻ em, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, về lâu dài, đội ngũ cán bộ đoàn, cán bộ hội ở cấp cơ sở cần tham gia đầy đủ, tích cực hơn và phải được pháp luật thừa nhận vai trò trong công tác bảo vệ trẻ em, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, cũng cần có tiêu chuẩn đầu vào đối với cán bộ hội, cán bộ đoàn, chẳng hạn như bí thư, phó bí thư đoàn cấp xã phải được đào tạo bài bản về công tác xã hội.
* Ông nghĩ gì về số vụ xâm hại trẻ em năm 2022 mà Bộ Công an và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã công bố?
- Theo tôi là rất đáng lo ngại, bởi khi phân tích ra, ta thấy có vài chỉ số gia tăng, như số vụ xâm hại tình dục trẻ tăng, số vụ hành hạ trẻ cũng tăng. Điều đáng lo nữa là mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc. Nhiều vụ việc rất nghiêm trọng, gây chấn động dư luận.
Chúng ta không nghèo đến mức không có nguồn chi phí hợp lý để bảo vệ trẻ
* Thưa ông, có vẻ như việc xử lý bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em ở Việt Nam thiên về hòa giải hơn là chế tài, làm giảm tính răn đe của pháp luật?
- Khi giải quyết một vụ việc, chúng ta nên tiếp cận cả ở góc độ pháp lý lẫn đạo đức, văn hóa truyền thống. Tất nhiên, pháp luật nghiêm minh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng để thực thi hiệu quả, cần có nguồn lực, mà chúng ta lại thiếu nguồn lực.
Ví dụ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định đưa người có hành vi bạo lực ra kiểm điểm trước cộng đồng, hoặc đưa đi giáo dục lao động. Để cưỡng chế bằng pháp luật thì phải có người cưỡng chế, ví dụ công an ở cấp xã, nhưng công an nhiều việc, đâu phải chỉ có bạo lực gia đình, nên họ bắt buộc phải ưu tiên việc cấp bách hơn, như cháy nhà, trộm, cướp, thiên tai, còn bạo lực gia đình mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì làm sau.
Một điều nữa là do tư tưởng muốn giấu “chuyện nhà”, nạn nhân trong nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em giấu mất chứng cứ, giấu luôn tội ác. Hay như việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ việc thực thi pháp luật, chẳng hạn lắp camera, lắp định vị để giám sát… cũng đòi hỏi kinh phí.
* Thưa ông, kinh tế Việt Nam đã phát triển hơn trước nhiều. Nói “hiệu quả thực thi thấp do thiếu nguồn lực” e rằng chưa thuyết phục?
- Ý tôi muốn nói là sự quan tâm, đầu tư. Tôi nghĩ chúng ta không nghèo đến mức không có những nguồn chi phí hợp lý để tăng cường bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình. Phòng ngừa được bạo lực trong gia đình, bảo vệ tốt trẻ em là thể hiện sự ưu việt của chế độ, thể hiện sự tiến bộ xã hội. Mình cứ hô hào tiến bộ xã hội là mục tiêu và là động lực của phát triển, tại sao mình không đầu tư vào nó hợp lý?
Luật Trẻ em cũng nêu rằng, ưu tiên đầu tư để không những phát triển toàn diện nguồn lực của đất nước mà còn phải bảo vệ nguồn nhân lực đó nữa. Trẻ em là nạn nhân của bạo hành sẽ bị tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần, chi phí để phục hồi khó mà đong đếm, nên chúng ta phải dồn lực phòng ngừa, bảo vệ. Phải bảo vệ trẻ em đến nơi đến chốn và do vậy, cần đầu tư nguồn lực cho công tác này.
* Xin cảm ơn ông.
Nghi Anh (thực hiện)