Cần đánh thuế hàng hóa giá trị nhỏ nhập qua sàn Shopee, TikTok...

23/04/2024 - 21:08

PNO - Với giá trị mỗi đơn hàng chia nhỏ từ 100.000-300.000 đồng, hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD hàng hóa luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng tại phiên họp

Chiều 23/4, tiếp tục phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - trình bày dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, qua 15 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế GTGT đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Trước hết, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Với các nội dung sửa đổi, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế. Cụ thể, dự thảo bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm, theo ông Hồ Đức Phớc, cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội. Tại dự thảo, mức doanh thu này đã được sửa đổi thành "do Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa ra con số cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách lo ngại mất
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị đánh thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ trước tình trạng mua bán qua sàn điện tử đang nở rộ

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định không thu thuế GTGT đối với quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu và việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Thẩm tra về nội dung này, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách - cho hay, việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới như hiện nay, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Ông Lê Quang Mạnh trích số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, thời điểm tháng 3/2023, có trung bình khoảng 4-5 triệu đơn hàng/ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng; hàng ngày trung bình có khoảng 45-63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Ông kiến nghị: “Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu”.

Đồng thời cũng chỉ ra chính sách đánh thuế bất bình đẳng nếu dự thảo luật giữ quy định “tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại Việt Nam sẽ được áp dụng tỉ lệ tính thuế là 1% đối với việc phân phối, cung cấp hàng hóa và 5% đối với dịch vụ”.

“Dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix chịu thuế 5% nhưng dịch vụ này do FPT cung cấp thì chịu mức thuế 10%. Đây là sự bất hợp lý cho các nhà cung cấp trong nước và làm mất nguồn thu ngân sách” - ông nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quang Mạnh, các nước trên thế giới đều áp dụng một mức thuế suất GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp bởi doanh nghiệp trong nước cũng như nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc, áp dụng mức thuế suất GTGT thông thường (10%), không áp dụng phương pháp tính trực tiếp để bảo vệ nguồn thu, đồng thời tránh phân biệt đối xử theo hướng bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI