Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng!

25/03/2020 - 07:54

PNO - Khi dịch bệnh lan tràn, trí thức hay người cùng khổ, kẻ giàu hay người nghèo, chỉ duy nhất tồn tại và sống sót là ở lòng can đảm để “xử sự đúng” - hiểu biết, trách nhiệm, sẻ chia.

15g ngày 24/3, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản khẩn về việc tạm ngừng các hoạt động vui chơi giải trí, quán bia, nhà hàng (công suất phục vụ 30 người trở lên), câu lạc bộ bi-a, thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố, kể từ 18g cùng ngày cho đến hết ngày 31/3. 

Với việc xác định “trong 10-15 ngày tới sẽ quyết định thành - bại trong chống dịch” và yêu cầu “không để lây lan lũy thừa, nhiều người mắc, người chết” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 23/3 thì quyết định của TPHCM là đúng và hết sức cần thiết. 

Hơn 1 tháng trước, ngày 20/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đã ký văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, sinh viên đến hết tháng 3/2020. 

Nhiều nhà hàng treo thông báo tạm ngưng hoạt động từ nay đến cuối tháng 3 để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng
Nhà hàng treo thông báo tạm ngưng hoạt động từ nay đến cuối tháng 3 để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng

Một khi nhận định diễn biến dịch bệnh đang phức tạp khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm thì phong tỏa, khống chế, chặn đứng, dập tắt mọi điều kiện lây lan là lựa chọn tối ưu. Đóng cửa trường học và tạm dừng các khu giải trí, nhà hàng, các dịch vụ có đông người tham dự là đảm bảo điều kiện tiên quyết để chống dịch trong tình hình bùng phát lây nhiễm ra cộng đồng với tốc độ nhanh, phạm vi rộng. 

Đơn cử 2 trường hợp bệnh nhân 100 “siêu lây nhiễm” ở Q.8 và “ổ dịch” quán bar Buddha ở Q.2 đã phát tán bệnh “trúng đích” trong nhóm nhỏ cộng đồng như thế nào. Nếu không kiểm soát, chính xác là không đóng cửa thánh đường lẫn quán bar trong tình hình nguy cấp này thì sự trừng phạt của Chúa hay quả báo trong nhà Phật là hệ quả tất yếu. 

Rõ ràng, nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TPHCM luôn được đặt trong tâm thế không chủ quan, khinh suất; nhất quán và khoa học; hiểu biết và trách nhiệm. Vì thế, sự đồng thuận và trách nhiệm cộng đồng trong người dân thành phố cũng theo đó mà biểu thị một cách rất đáng tin cậy. 

Ngay khi có thông tin đóng cửa tiệm uốn tóc, tôi - khách hàng quen thuộc nhanh nhảu gọi chị Phượng, thợ phụ của tiệm tóc Sài Gòn gần chợ Vườn Chuối. Chưa kịp nói lời động viên nhau, chị đã cười cười bảo, tiệm đóng cửa từ hôm qua rồi, chị chủ đọc báo thấy nói mười mấy ngày tới là đỉnh dịch lây nhiễm gì đó nên cho nghỉ. Với lại, tiệm cũng vắng quá nên đóng, ai ở nhà nấy cho yên tâm. Rồi chị nói, chẳng biết nói với tôi hay với chính chị, đằng nào cũng vậy, ai cũng vậy, khó thì cũng khó rồi, thôi kệ, nghỉ 10 ngày, đợi hết dịch, hãy tính… Vẫn là tiếng cười xuề xòa như mọi khi. 

Tối 16/3, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói, việc nghỉ học dài hạn, đóng cửa cơ sở kinh doanh, hạn chế lưu thông hàng hóa chắc chắn sẽ làm kinh tế giảm sút. “Mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải chấp nhận việc tiêu dùng bị ít đi, thu nhập ít đi để giúp cho những cá nhân, doanh nghiệp bị mất hoàn toàn thu nhập. Làm như vậy mới có thể giúp tất cả cùng tồn tại, cùng phát triển. Ai cũng khó khăn ít nhiều. Chúng ta cần chia sẻ để vượt qua”. 

Người cho thuê nhà mất khách hàng, chủ tiệm mất nguồn thu, người đi làm công mất việc (trong 10 ngày không lương) - như chị Phượng… và bao khốn khó, phá sản, trắng tay là điều tiên liệu ngay trong thời dịch bệnh lẫn hậu dịch. Nhưng tất cả chúng ta không còn con đường nào khác. Tài sản, việc làm hay bất cứ thứ gì trong lúc này cũng không còn quan trọng, vấn đề là bản thân mỗi người phải tự bảo vệ mình, chung tay bảo vệ cộng đồng để sống khỏe, thậm chí là sống sót qua cơn đại dịch này. 

Jean Tarrou - anh chàng trí thức danh giá, kẻ lang bạt, chọn sống bên lề xã hội, cuối cùng đã sát cánh cùng bác sĩ Bernard Rieux (Dịch hạch - Albert Camus) trong cuộc chiến chống dịch bệnh đang hủy diệt thành phố Oran, đã thốt lên rằng: “Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng”. 

Khi dịch bệnh lan tràn, trí thức hay người cùng khổ, kẻ giàu hay người nghèo, chỉ duy nhất tồn tại và sống sót là ở lòng can đảm để “xử sự đúng” - hiểu biết, trách nhiệm, sẻ chia. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI