Cần đảm bảo thêm quyền lợi của lao động nữ tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

23/11/2023 - 14:24

PNO - ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân kiến nghị điều chỉnh một số quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ.

 

ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân quan tâm tới nhiều quy định liên quan tới lao động nữ trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân quan tâm tới nhiều quy định liên quan tới lao động nữ trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đóng góp về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM - quan tâm nhiều tới các chính sách hỗ trợ lao động nữ như thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp thai sản…

Cụ thể, liên quan tới chế độ thai sản, dự thảo luật quy định “trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần từ 1 - 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong suốt thai kỳ, người mang thai sẽ có 8 lần khám thai (từ tuần thứ 3 - 37). Do đó, ĐBQH kiến nghị Ban soạn thảo sửa quy định “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 8 lần” để đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của người mang thai và thai nhi theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

ĐBQH cũng góp ý điều chỉnh thuật ngữ "đình chỉ thai nghén” trong dự thảo luật thành “đình chỉ thai nghén hoặc sảy thai”. Bởi đình chỉ thai nghén chỉ đề cập đến các trường hợp phá thai.

Ngoài ra, ĐBQH cũng đề xuất điều chỉnh thời gian nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén hoặc sảy thai để phù hợp với các biện pháp y khoa, phù hợp với sức khỏe của người lao động. Cụ thể, dự luật hiện quy định, thời gian này là tối đa 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; tối đa 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; tối đa 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi”.

ĐB đề xuất thay đổi là thời gian nghỉ tối đa 10 ngày nếu thai nhỏ hơn hoặc bằng 7 tuần tuổi ; tối đa 20 ngày nếu thai từ 7 tuần tuổi đến 12 tuần tuổi; tối đa 40 ngày nếu thai trên 12 tuần tuổi đến 28 tuần tuổi; tối đa 50 ngày nếu thai trên 28 tuần tuổi”

Về mức hưởng trợ cấp thai sản, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đánh giá ban soạn thảo đã quan tâm lồng ghép giới, thể hiện qua việc bổ sung trợ cấp thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là giải pháp tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời góp phần làm giảm khoảng cách về các chế độ giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tuy nhiên, đa phần người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những người làm việc ở khu vực phi chính thức, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn… Do đó, bà đề nghị nghiên cứu, xem xét để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng “chế độ thai sản” như người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chứ không phải là “trợ cấp thai sản” như dự thảo quy định hiện nay. Dự luật không nên quy định số tiền cụ thể mà quy định hệ số tỉ lệ dựa trên mức lương cơ sở.

Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân cũng kiến nghị thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 13 tuổi - thay vì 3 tuổi đến dưới 7 tuổi như quy định tại dự thảo luật. Bởi theo bà, trẻ em dưới 13 tuổi bị ốm và ở nhà một mình thì chưa có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Cần nghiêm cấm hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm

Thời gian gần đây, có xu hướng gia tăng việc cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội. ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân thống nhất cao khi dự thảo luật đã bổ sung hành vi này vào danh mục nghiêm cấm.

Dù vậy, ĐBQH chỉ ra, vẫn còn hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Cụ thể, người sử dụng lao động chưa đóng 17% là chậm đóng, còn 8% của người lao động đóng bảo hiểm xã hội mà người sử dụng lao động giữ lại nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội là hành vi chiếm dụng. ĐB kiến nghị ban soạn thảo bổ sung hành vi “cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI