Một người dân bình thường cũng dễ dàng nhận thấy đất đai vẫn còn sử dụng lãng phí. Đó có thể là những trụ sở cơ quan công quyền, tuy đã di dời về nơi mới nhưng các tòa nhà cũ vẫn còn chưa biết để làm gì.
|
Để giải quyết việc lãng phí nguồn lực đất đai cần một cuộc “đại phẩu thuật” với “bàn tay cầm dao mổ” quyết tâm và quyết liệt của lãnh đạo các cấp. Ảnh minhhọa |
Đó là những khu đất trống được bao bọc bằng hàng rào tôn mãi chẳng thấy động thổ khởi công. Đó cũng có thể là những khu đất cỏ dại mọc đầy giữa vùng đất quy hoạch là khu dân cư, trong khi xung quanh đã có nhà cửa công trình. Xa hơn ở ngoại vi trung tâm cũng có vài khu đất bỏ hoang, người mua đất dựng cột kéo rào để cho cỏ mọc mà chưa có kế hoạch sử dụng. Rồi những cơ sở lưu trú trước đây dành cho cán bộ từ trung ương vào công tác, giờ thì hoạt động cầm chừng không thật sự hiệu quả. Bởi vì hiện nay khách sạn đầy rẫy, tiện nghi hơn nhiều, giá thuê phải chăng, nằm trong mức quy định thì đâu ai chọn ở nơi cũ kỹ đó.
Nếu kể thêm còn có những khu dân cư vượt lũ xây rồi bỏ đó ít người vào ở, vì không phù hợp với lối sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp nhà nước được giao quyền sử dụng các khu nhà làm việc, nhà tập thể nay không còn sử dụng để làm việc hoặc nhà tập thể mà người ở không thể mua hóa giá, không thể cải tạo đành phải sống tạm bợ ở đó. Nhưng doanh nghiệp tìm mọi lý do để không trả lại cho nhà nước.
Dân gian có câu “người đẻ, đất không đẻ được” để nói lên đất đai là hữu hạn. Vì thế cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất đều muốn giữ cái quyền quý giá đó. Theo thể chế hiện hành đất đai là sở hữu toàn dân, cá nhân tổ chức được Nhà nước giao quyền sử dụng theo đúng mục đích quy định. Trong khi chúng ta thiếu đất để làm công viên, nhà ở xã hội, bãi để xe… thậm chí là xây dụng nhà vệ sinh công cộng thì vẫn còn nhiều, rất nhiều khu đất bỏ hoang hay sử dụng không thật sự hiệu quả.
Để giải quyết việc lãng phí trầm trọng đó có lẽ cần một cuộc “đại phẫu thuật”. Một khi đã nằm trên “bàn mổ” chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp và đau đớn. Chính vì vậy đòi hỏi “bàn tay cầm dao mổ” quyết tâm và quyết liệt của lãnh đạo các cấp, với phương tiện là cơ chế, chính sách phù hợp. Khó, nhưng chắc chắn cần làm để giải quyết “ung nhọt” làm hạn chế nguồn lực đất đai cần thiết để đất nước vươn mình và đất đai cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ tham nhũng làm mất tài sản quốc gia và đánh mất cán bộ.
Nguyễn Huỳnh Đạt