Cần đa dạng hóa mô hình giáo dục sau THCS

13/08/2024 - 06:05

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - về giải pháp tăng chất lượng đào tạo nghề, thu hút người học nghề.

Phóng viên: Theo ông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó thu hút được người học?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: Thời gian qua, bên cạnh những trường nghề chất lượng tốt, cũng có không ít trường nghề tạo ra hình ảnh xấu cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, giáo dục nghề nghiệp chưa vực dậy được chất lượng.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, trước hết phải xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có năng lực thực tế, năng lực thực hành, đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà trường và doanh nghiệp để đội ngũ thợ, kỹ sư giàu kinh nghiệm của doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo.

Đặc biệt, đội ngũ quản lý về giáo dục nghề nghiệp phải bỏ tư duy bao cấp để chủ động, thoát ly khỏi sự lệ thuộc vào kinh phí dự án. Đội ngũ quản lý cấp trường rất quan trọng, thực tế là trường nào có đội ngũ này năng động thì trường đó hoạt động rất hiệu quả.

* Về cơ chế, chính sách, cần điều chỉnh ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, chúng ta đang vướng về cơ chế nên việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp là do các bên tự tìm đến nhau và liên kết. Chúng ta luôn nói khuyến khích việc đào tạo ở nhà trường gắn với việc thực hành ở doanh nghiệp nhưng việc này lại không dễ thực hiện.

Ví dụ, các doanh nghiệp muốn đặt hàng cho các trường đào tạo ngắn hạn một số lượng lao động nào đó nhưng nếu là trường cao đẳng thì phải được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép mới được đào tạo. Nhiều khi doanh nghiệp cần ngay mà chờ được phép đào tạo thì cơ hội đã trôi vuột mất. Theo tôi, nên trao quyền tự chủ cho các trường nghề để các trường chủ động ký kết các hợp đồng đào tạo kỹ năng.

Bên cạnh đó, khái niệm phân luồng phải rất mềm dẻo, linh hoạt, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi mạnh mẽ như hiện nay. Nếu các cháu còn muốn học lên THPT thì nên tạo điều kiện cho các cháu học và bảo đảm chất lượng dạy, học.

Còn “ép” phân luồng như hiện nay thì vừa không “ép” được - bởi đa số phụ huynh muốn con em họ có bằng THPT - vừa khó bảo đảm chất lượng đào tạo khi các cháu bị “ép” học nghề. Những trường hợp không có điều kiện học lên THPT do năng lực học tập hạn chế hay do hoàn cảnh kinh tế gia đình… thì nên tạo điều kiện cho các cháu học hệ trung học nghề.

* Theo ông, cần phân luồng như thế nào để đạt được mục tiêu 50 - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT theo học nghề?

- Trên thế giới, học sinh sau THCS có nhiều con đường học tập theo nhu cầu của bản thân và gia đình. Cùng là trung học nhưng học sinh có thể chọn trường THPT, trường trung học nghề, trường trung học kỹ thuật, trường bán công… Nhưng ở nước ta, sau THCS, chỉ có trường THPT và trường trung cấp nghề nên không hấp dẫn người học.

Việc nước ta phân biệt văn bằng để tuyển vào đại học cũng như tuyển dụng, thăng tiến trong sự nghiệp khiến người học nghề gặp nhiều cản trở, càng khiến hệ trung cấp nghề kém hấp dẫn.

Suốt 3 thập niên, mô hình đào tạo sau bậc THCS vẫn đơn điệu và tâm lý xã hội vẫn coi trọng bằng cấp. Việc tách bạch, phân biệt THPT và trung học nghề vừa là hệ quả của “bệnh” coi trọng bằng cấp, vừa là nguyên nhân khiến “bệnh” này tồn tại dai dẳng trong xã hội.

Nếu tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề đều được gọi là tốt nghiệp trình độ trung học như trên thế giới thì bệnh coi trọng thành tích sẽ dần bị đẩy lùi, việc phân luồng cũng sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, tên gọi văn bằng chỉ một mức trình độ là trung học cũng phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phân loại trình độ giáo dục.

* Xin cảm ơn ông.

Bích Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI