Sau mùa “giãn cách xã hội”, thành phố dần trở lại nhịp điệu cũ, người ta ra đường cảm giác tự tin hơn vì được sống, sinh hoạt trong một môi trường an toàn, đó còn là cảm giác của bao nhiêu ngày trói chân trong nhà, tự bảo vệ mình bằng những kiến thức về phòng dịch cũng là cách mỗi người chung tay vào công cuộc phòng chống dịch bệnh chung.
Nhiều người cho rằng, chính thời gian giãn cách đã khiến con người “lớn” hơn, biết suy ngẫm về cuộc sống, về đối nhân xử thế, biết nghĩ về tương lai. Từ bây giờ, trong những kế hoạch đời người, cần phải phòng bị những sự cố không mong muốn xảy ra như thiên tai, dịch bệnh… một khoản tiền phòng thân, phòng khi xui rủi con người mới nhận ra tự nạp năng lượng cho mình để không bị hẫng trong cuộc chạy đua cơm áo đường dài là điều thực sự cần thiết.
Thời công nghệ số, con người bị lệ thuộc bởi các thiết bị, từ một đứa trẻ biết nhận thức cho đến người già, ai cũng cần cục sạc bên mình. Không chỉ một, mà phải đến vài cục sạc, một vật mà cách đây khoảng hai mươi năm, không phải ai cũng biết đến nó.
Mất hay hỏng cục sạc là phải mua ngay. Đi du lịch quên mang cục sạc coi như bó tay. Trước khi trả phòng ra về, mọi người thường nhắc nhau: “Nhớ đừng quên cục sạc nhé!”.
Điểm lại, một người bình thường có bao nhiêu cục sạc? Trừ điện thoại, hầu như ai cũng có máy ảnh, laptop, máy nghe nhạc, iPad, sạc pin dự phòng, đèn sạc để bàn, loa bluetooth… Con người lệ thuộc cục sạc như một nhu cầu ăn uống hàng ngày làm nên thói quen.
Một người chụp ảnh nghiệp dư có sở thích du lịch có bao nhiêu cục sạc? Điện thoại, máy ảnh (có thể) hai đến ba cái, tất nhiên là hai, ba cục sạc kèm theo, sạc pin dự phòng cho điện thoại, pin dự phòng cho máy ảnh, sạc laptop, sạc iPad… Tài xế xe du lịch giờ đây cũng hiểu ý khách hàng, trên xe nào cũng có nhiều đầu cắm tương thích các loại điện thoại, máy ảnh… để phục vụ khách cần sạc nhanh.
Từ đó, một tiêu chí quan trọng cho khách chọn lựa khi mua thiết bị điện tử là thời gian sử dụng pin. Trên các quảng cáo cũng ưu tiên tiêu chí này.
Ở các nơi công cộng, để thuận tiện cho khách, ngoài wifi còn có chỗ sạc điện thoại, và đó là một trong các tiêu chí thu hút khách hàng. Dịch vụ luôn đi theo nhu cầu của con người, phục vụ con người nhằm tạo sự thoải mái cho khách.
Rất dễ dàng thấy sự khó chịu, bứt rứt của con người khi một trong các thiết bị số hết năng lượng. Đang nói chuyện điện thoại bàn công việc quan trọng, điện thoại bỗng “tút tút” báo sắp hết pin, chỉ nhiêu đó thôi mà ý tưởng vụt trôi qua mất vì đầu óc bị nhiễu. Những điều lo lắng nhỏ hay những bất tiện nhỏ làm hỏng việc lớn là vì thế.
Người ta nói vui, từ khi có điện thoại di động, số lần nói dối của con người tăng lên rất nhiều. Vợ sốt ruột vì khuya rồi mà chồng chưa về, gọi điện thoại thì ò í e không liên lạc được. Cha mẹ gọi con cái không được… Chồng, con cái không muốn nghe điện thoại, tắt di động để rồi sau đó với lý do chính đáng là điện thoại hết pin… Những việc tưởng nhỏ nhặt nhưng đôi khi gây chiến tranh lạnh giữa vợ chồng vì không tin nhau (điện thoại hết pin chẳng hạn).
Một cô vợ kể, chồng có tính hay ghen. Bởi yêu anh, cô chấp nhận lấy nhau; hiểu ý chồng nên cô ý tứ tránh xáo trộn gia đình. Một lần đi họp lớp, cô đã “xin” chồng từ cả tháng trước, chiều chuộng chồng để được việc mình. Bạn bè gặp nhau vui quá, ăn xong kéo đi karaoke. Hôm ấy, cô chụp hình đưa lên Facebook và online trả lời bình luận của bạn bè hơi nhiều nên điện thoại hết pin. Cô chủ quan đã xin phép chồng rồi nên chắc anh không gọi.
Tuy nhiên, rủi sao, con trai cô chơi nhà ngoại bị chảy máu cam, không cầm được. Mẹ gọi cho cô không được, hoảng quá mới gọi cho chồng cô. Tất nhiên với tính đa nghi, chồng cô đâu dễ tin điện thoại cô hết pin.
Có người còn mạnh miệng kết luận, gia đình nào cũng ít nhất một lần cãi nhau vì chuyện sạc pin điện thoại hay điện thoại hết pin.
Một điều dễ thấy là con người lệ thuộc vào cục sạc cho các thiết bị cá nhân như vậy. Điện thoại hết pin mà không có cục sạc là thấy ngày… vô nghĩa, thế nhưng hầu như ít ai chú ý việc sạc năng lượng cho bản thân, cho mối quan hệ gia đình.
Sáng đi sớm, tối mịt mới về, ăn vội qua quýt rồi ngủ để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình cơm áo. Cha mẹ nhiều khi bận bịu quá quên mất con cái cũng cần sạc năng lượng là những cuộc trò chuyện, tâm sự, chia sẻ. Vợ/chồng ai cũng có khoảng trời riêng với những trang mạng cá nhân, mải chăm chút vào đó mà quên mất người bên cạnh mỗi ngày nghĩ gì, cần gì, chờ đợi gì… Quên mất tình cảm cũng cần phải sạc năng lượng… Ngày tháng cứ thế trôi, đến khi giật mình nhìn lại, mọi thứ quá muộn để bắt đầu.
Qua mùa giãn cách, vợ giật mình hiểu ra điều này; chồng cũng nhận ra cần thay đổi nếu không muốn ranh giới ngăn cách vô hình trở thành có thật; cha mẹ bất chợt suy nghĩ về một câu góp ý thẳng thắn của con; con lâu nay trách cứ cha mẹ không hiểu mơ ước của con, bây giờ ngẫm lại mới thấy cha mẹ cũng có mơ ước về mình…
Qua mùa giãn cách, mọi người cảm thấy yêu thương nhau hơn, hiểu ra việc nạp năng lượng là cần thiết và luôn luôn phải có.
Kim Duy