|
ĐBQH Trần Kim Yến cho rằng cần cụ thể danh mục các dự án có sử dụng đất thực hiện đấu thầu để tránh thông đồng, cấu kết lợi ích nhóm |
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Kim Yến – Chủ tịch UB MTTQ TPHCM - chỉ ra, hiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa tương thích với nhau.
“Luật Đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Luật Đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét một trường hợp cụ thể, ở địa phương còn lúng túng và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án”, bà phân tích.
ĐBQH cũng chỉ ra, khi đấu thầu một dự án thì cần phải đấu thầu toàn bộ dự án, bao gồm cả đất được sử dụng trong đó, dù được thuê hay được giao không thu tiền sử dụng đất. Khái niệm đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất chưa cho thấy rõ là dự án đầu tư được đấu thầu với điều kiện, những tiêu chí như thế nào; dựa trên những thành tố cơ bản hay chỉ dựa trên đấu giá quyền sử dụng đất là khía cạnh chưa hoàn toàn rõ ràng nếu dựa vào nội hàm của các qui định trong các Luật có liên quan.
Phân tích kỹ các điều kiện để áp dụng đấu thầu dự án có sử dụng đất theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho thấy, các loại hình dự án đầu tư có sử dụng đất được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn thiếu sự thống nhất, thiếu sự đồng bộ với các dự án được thu hồi đất theo Điều 78 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
“Điều này dẫn đến các dự án nhà ở thương mại sử dụng đất ở, trụ sở, văn phòng làm việc, công trình thương mại, dịch vụ không thể áp dụng phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, bà nhấn mạnh.
Hiện, muốn thực hiện phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với các dự án như vậy phải được đưa vào danh mục dự án mà chủ trương đầu tư đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Quá trình đưa các dự án vào danh mục này cũng tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm khi có sự thông thầu, cấu kết với chủ đầu tư.
ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng cụ thể danh mục các dự án có sử dụng đất thực hiện đấu thầu; không đặt ra dự án đó phải thuộc danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất theo Luật đất đai; dự án thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng.
“Cách tiếp cận này sẽ hạn chế hiệu quả tình trạng thông đồng, cấu kết lợi ích nhóm để đưa dự án đầu tư có sử dụng đất vào danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất; cũng sẽ góp phần tạo ra nội hàm cụ thể của khái niệm tích hợp “Đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất”, ĐBQH Trần Kim Yến nói.
Quá nhiều trường hợp chỉ định thầu?
Chủ tịch UB MTTQ TPHCM cũng chỉ ra, thời gian qua rất nhiều các gói thầu thực hiện đúng theo quy trình song tới giai đoạn thực hiện gói thầu thì lại xảy ra tình trạng nhà thầu không đủ năng lực hoạt động thi công thực hiện gói thầu.
ĐBQH kiến nghị bổ sung hoặc thay thế quy định “Có tên trong Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” (Điểm d khoản 1 Điều 5 dự thảo) thành: “Nhà thầu phải đáp ứng năng lực hoạt động phù hợp với từng lĩnh vực của gói thầu” để đồng bộ và thống nhất với các luật chuyên ngành khác.
Mặc dù UBTVQH đã chỉ đạo rà soát dự án luật theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, song theo ĐB, dự thảo Luật vẫn có tới 12 trường hợp chỉ định thầu (nhiều hơn 2 trường hợp so với dự thảo ngày 13/3/2023 và 6 trường hợp so với luật đấu thầu 2013).
“Việc mở rộng hình thức chỉ định thầu dường như đang đi ngược lại với xu hướng phải tăng cường tổ chức đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, chống lãng phí tiêu cực. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hạn chế bớt các trường hợp chỉ định thầu, chỉ các trường hợp thật cần thiết như quy định tại các điểm a, b, c và d Điều 23. Các trường hợp khác đề nghị chuyển sang các hình thức lựa chọn khác như đàm phán giá, chào hàng cạnh tranh hay có thể đấu thầu rút gọn để khắc phục tình trạng sai phạm trong đấu thầu như hiện nay”, nữ ĐBQH kiến nghị.
Theo ĐBQH Trần Kim Yến, hệ thống pháp luật về đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước theo quy định đang bị đứt đoạn giữa giai đoạn đấu thầu và giai đoạn thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, Luật đấu thầu không có phần chế tài quy định quản lý thực hiện kết quả sau đấu thầu. Trong dự thảo hiện có 3 nguyên tắc thực hiện hợp đồng, tuy nhiên còn rất sơ sài.
Ngoài ra, Điều 89 dự thảo quy định nội dung công tác “Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu” cũng chỉ gồm công tác giám sát hồ sơ, đánh giá hồ sơ, quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu... Những nội dung này không phải là các quy định liên quan đến công tác giám sát thực hiện hợp đồng.
Do không có hướng dẫn, không có chế tài nên khi thực hiện, nhà thầu có thể không đáp ứng được những cam kết trong hồ sơ dự thầu, kết quả là chậm tiến độ, chất lượng không đáp ứng...
“Đây có phải chăng là tình trạng “làm đẹp hồ sơ” trong giai đoạn đấu thầu. Do đó, kiến nghị Luật đấu thầu cần có những điều quy định về quản lý thực hiện đấu thầu và các chế tài kiểm soát công tác sau đấu thầu để công tác đấu thầu thực sự có hiệu quả”, Chủ tịch UB MTTQ TPHCM nói.
Cần có nguyên tắc xác định cơ sở khám chữa bệnh không có đủ hóa chất, trang thiết bị y tế | ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị có quy định cụ thể để xác định trường hợp nào thuộc cơ sở khám chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế |
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó giám đốc Sở Tư pháp TPHCM - bày tỏ băn khoăn với các trường hợp chỉ định thầu. Cụ thể, dự án luật đang quy định chi tiết về trường hợp chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế. Tuy nhiên, để việc xác định như thế nào là thuộc trường hợp “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế”, theo bà, cần quy định nguyên tắc trong Luật này hoặc trong nghị định của Chính phủ để thống nhất cách hiểu và áp dụng. Dự thảo hiện nay chỉ cho phép lựa chọn luật sư trong trường hợp đặc biệt để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước Việt Nam tại cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế. Bà cho rằng, thực tiễn thời gian qua và có thể trong tương lai, có vụ việc phát sinh, nhà đầu tư hoặc các cơ quan Việt Nam có thể chọn các cơ quan tài phán trong nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá tác động để cân nhắc thêm về phạm vi của quy định này, không chỉ giới hạn các vụ việc tại các cơ quan tài phán nước ngoài hoặc quốc tế. Liên quan tới quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, Điều 20 dự án Luật quy định 9 hình thức lựa chọn nhà thầu. Trong đó Điều 43 quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với 7 trường hợp, là đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và tham gia thực hiện của cộng đồng. “Riêng hình thức đàm phán giá thì giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn là phù hợp vì chỉ liên quan đến một số gói thầu đặc thù của cơ quan y tế. Còn một hình thức còn lại, là lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (trong đó có trường hợp lựa chọn luật sư tư vấn) thì không được quy định tại Điều 43, mà giao cho Chính phủ quy định”, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu. Xét về mức độ nhạy cảm và độ mở, hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tuy không bằng hình thức đấu thầu rộng rãi nhưng chắc chắn có độ mở nhiều hơn so với hình thức chỉ định thầu. Do đó, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định ngay trong dự án Luật này các nội dung cơ bản về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tương tự như 7 hình thức nêu trên, để đảm bảo tính logic và tính thống nhất trong xây dựng nội dung quy định pháp luật. |
M.Quang