Cần công bố xếp hạng ngân hàng để người dân yên tâm gửi tiền

11/11/2017 - 09:07

PNO - Phương án cho phép ngân hàng (NH) phá sản đã chính thức đưa vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; nhưng vấn đề quyền lợi của người gửi tiền (NGT) vẫn chưa được thể hiện rõ,......

Phương án cho phép ngân hàng (NH) phá sản đã chính thức đưa vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; nhưng vấn đề quyền lợi của người gửi tiền (NGT) vẫn chưa được thể hiện rõ, nhất là với quy định nếu NH phá sản, NGT chỉ được bồi thường 75 triệu đồng.

Thông tin này hiện đang khiến không ít NGT tại các NH thấp thỏm tính chuyện rút hết tiền để tránh bị trắng tay theo NH. Chị Lê Thị Ngà, Q.1, TP.HCM, cho biết chị đang gửi hơn 1 tỷ đồng tại một NH thương mại.

Trước thông tin nếu NH phá sản, NGT chỉ được bồi thường 75 triệu đồng chị rất lo lắng: “Sao luật không xác định rõ là gửi bao nhiêu tiền thì được bồi thường 75 triệu đồng? Nếu gửi một tỷ hoặc vài chục tỷ mà vẫn được bồi thường như nhau - ở mức 75 triệu đồng là không công bằng. Vợ chồng tôi đang định rút tiền ra mua vàng hay USD cất cho yên tâm.” 

Can cong bo xep hang ngan hang de nguoi dan yen tam gui tien
 

Một vấn đề khác cũng được nhiều người đặt ra là căn cứ vào đâu để NGT đánh giá một NH là có uy tín, đang hoạt động hiệu quả? Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính, thông thường việc đánh giá một NH đang hoạt động tốt hay sắp phá sản dựa vào các tiêu chí như dư nợ cho vay, dư nợ tiền gửi, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng… nhưng những số liệu này NGT không thể biết được, do NH Nhà nước không công bố.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng cũng có những bài viết khen NH này khác đang tăng lãi suất huy động, hoạt động hiệu quả... nhưng đa phần là thông tin một chiều do NH cung cấp nhằm thu hút NGT; nên có trường hợp vừa mới thấy tiếng khen thì tiếp theo là toàn chuyện... nợ xấu, khiến NGT… “té ngửa”. 

Để khách hàng có thể yên tâm gửi tiền tại NH, tránh tình trạng NGT đổ xô đầu tư vào vàng, USD, vấn đề đầu tiên NH Nhà nước phải làm là công bố xếp hạng NH theo tháng, quý, năm về tình hình tài chính, sự tín nhiệm của khách hàng; hoặc buộc các NH chọn những tổ chức có uy tín để xếp hạng và chịu trách nhiệm với kết quả xếp hạng này. Căn cứ vào đó, NGT sẽ biết NH nào an toàn và đáng tin cậy để “chọn mặt gửi vàng”.

Lãi suất cũng là yếu tố quyết định việc chọn lựa NH của NGT. Nếu một NH lớn và một NH nhỏ có cùng mức lãi suất, thậm chí lãi suất của NH nhỏ có nhỉnh hơn, thì NGT vẫn có tâm lý chọn NH lớn để hạn chế rủi ro. Giả sử, Nhà nước chấp nhận cho NH phá sản, chắc chắn NGT sẽ ùn ùn rút tiền ở NH nhỏ chạy sang gửi tại các NH lớn. Lúc này, nhiều NH nhỏ sẽ gặp nguy cơ phá sản rất cao.

Để NH nhỏ có thể cạnh tranh, NH Nhà nước phải cho phép các NH tự do đưa ra mức lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi. Còn việc gửi tiền ở đâu là quyền của khách hàng. NH Nhà nước cũng phải khống chế lãi suất huy động của những NH quốc doanh hoặc NH cổ phần mình chi phối, lấy đó làm lãi suất nền để cho phép các NH khác được nâng lãi suất huy động cao hơn lãi suất quy định, tối đa có thể khoảng 30%.

Ông Hiển nhận định: "Cho phép phá sản nhưng NH Nhà nước lại không cho phép NH nhỏ nâng lãi suất huy động cao hơn thì giống như đang ép thương hiệu điện thoại Nokia phải bán bằng giá với điện thoại Apple, khiến nó trước sau gì cũng phá sản. Lãi suất bằng nhau thì NH nhỏ khó có thể huy động được tiền gửi và sẽ xuất hiện tình trạng NH lớn cho NH nhỏ vay với lãi suất cao, dẫn đến hỗn loạn thị trường tài chính". 

Ngân hàng “ông lớn” cũng đầy nợ xấu!

Một chuyên gia tài chính NH nói: “Mới đây, sau khi kiểm tra ban đầu, Thanh tra NH Nhà Nước đưa ra công bố: nợ xấu của các NH không vượt ngưỡng 3%. Nhưng, chỉ vài tháng sau, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam công bố con số này là 10%! Một năm sau, 6/2017, lại tiếp tục phát hiện tỷ lệ nợ xấu ở các NH tăng lên bất ngờ. 

Trong danh sách đang “ôm” nợ xấu có các “ông lớn” như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MB, VIB, Techcombank, SHB, Sacombank, ACB, Eximbank, VPBank… Sacombank là NH có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong các NH niêm yết hiện nay với 4,89%. Thứ nhì là Eximbank với khoảng 3%. BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14%, đã tăng so với con số 1,99% vào cuối năm 2016. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI