Ngày 25/5, UBND TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức tọa đàm về bảo tồn và phát triển Cù Lao Chàm nhân kỷ niệm 10 năm hòn đảo này được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Rất nhiều lời khen ngợi từ chính phủ, các chuyên gia, dư luận trong và ngoài nước đã dành cho chính quyền và người dân nơi đây trong nỗ lực bảo vệ không gian sinh thái Cù Lao Chàm. Một chuyên gia về sinh quyển là giáo sư Nguyễn Hoàng Trí ví von, Cù Lao Chàm là đứa em áp út (xếp thứ tám trong danh sách chín khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam lần lượt được công nhận), nhưng nhiều đàn anh khác phải đến đây học cách bảo tồn.
|
Cánh đồng “mua để ngó chơi” ở Bãi Làng, Cù Lao Chàm, TP.Hội An |
Người ta thường nhắc chuyện Cù Lao Chàm nói không với túi ni-lông, cấm bắt cua đá, cấm khai thác san hô, cấm xả rác bừa bãi, chặt phá rừng… để hòn đảo luôn hiện ra sạch sẽ, thân thiện với môi trường. Nhưng để có được ý thức của người dân và du khách, chính quyền đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” vận động.
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An - ông Nguyễn Sự - nói rằng, “anh có nói trời đất chi mà không chứng minh được cho dân thấy, rằng hãy làm như tôi nói, bà con sẽ được hưởng lợi, thì anh thất bại; anh hãy cho dân thấy rằng, nếu bà con không giữ mình chính nơi mình ở, thì từ phận làm chủ, một ngày đẹp trời anh sẽ biến thành kẻ làm thuê trên đất của mình”.
Ông Sự kể, ở Cù Lao Chàm, từ năm 1998, ông đã quyết liệt yêu cầu nói không với nhiều thứ, khởi đầu là chặt củi trên rừng, lợi dụng phá rừng. Cán bộ, bộ đội đi đầu làm gương rồi đến dân, rồi biết bao chuyện chứ không riêng chi cái chuyện “nói không với túi ni-lông”.
Khỏi phải liệt kê ra con số khách tham quan về đây để bà con buôn bán hưởng lợi, một con số thống kê cho thấy, hơn 60/84 hộ ở Bãi Hương đã có nhà, đất trong đất liền nhờ buôn bán hải sản. Nhưng họ không bỏ làng, bởi đây là nơi đẻ ra tiền.
“Có chuyện ni, là năm 2013, tôi quyết định cho trích ngân sách thành phố ra mua 14ha đất ở Bãi Làng với giá 14 tỷ đồng. Lúc đầu, có ý kiến nói mua làm chi, tôi vừa giỡn vừa thiệt “để đó ngó chơi, chẳng để làm chi”. Thực ra, tôi lo sợ, đây là đất nông nghiệp của tư nhân, nếu mình không mua, họ bán cho doanh nghiệp xây nhà bê tông, mai này nhất định dân ở đây sẽ ngạt thở.
Cù Lao Chàm mà xây nhà cao tầng, khách sạn bề thế là phá nát cảnh quan. Du lịch sinh thái là về với tự nhiên. Mình đang có lợi thế đó, đừng có dại mà hất đi. Đất chính quyền mua nhưng vẫn để cho bà con canh tác, ai không làm thì để đó ngó chơi, vậy đó” - ông Sự nói. Bây giờ, đất vẫn còn đó, một cánh đồng bằng phẳng, bát ngát ở trước chùa Ngọc Truyền, khách đến thả sức hít thở gió từ núi xuống, biển vào, cuồn cuộn ở đó.
“Mua cái không để giữ cái có”. Xem ra triết lý du lịch này, nếu đặt trong tổng thể bài toán quy hoạch, bảo tồn ở xứ mình, sẽ thấy lắm những gật gù xen lẫn chua chát, và ngoảnh lại sẽ thấy mảnh đất cho người lớn đá banh, trẻ con thả diều ở Cù Lao Chàm sao lẻ loi mà kiêu hãnh. Đi khắp từ Bắc vào Nam, hễ chỗ nào đất đai ngon lành, phong cảnh hữu tình thì y như rằng sẽ thấy bê tông lù lù hiện ra, một thời gian quay trở lại là chạm mặt với những khối nhìn trơ khấc.
Trên mạng, tại các diễn đàn hằng ngày chưa từng dứt những ai oán, ca thán, thậm chí cầu xin, là hãy biết trân trọng những gì tự nhiên lẫn cha ông để lại, nhưng rồi họa hoằn lắm mới có những cái được giữ lại như một số công trình cổ ở TP.HCM. Số phận của những công trình này không bị kết liễu như những anh em đồng niên.
Nhưng kết quả này chưa hề là ví dụ sáng giá về cái gọi là “biết lắng nghe” ý kiến của cộng đồng, bởi “lỗi hệ thống” từ luật lệ đến quan điểm của người cầm quyền về bảo tồn giá trị không gian sống lẫn các công trình kiến trúc, văn hóa nghệ thuật.
Có câu hỏi rằng, không lẽ những người có quyền trong chuyện này không thấy được đâu sáng đâu tối, đâu chân đâu giả? Thưa rằng, họ thấy hết và xung quanh họ, một đội ngũ chuyên môn này nọ cũng thấy hết, nhưng họ vờ như không thấy. Lẽ đơn giản là lòng tham làm mờ mắt họ. Chưa đủ, còn một cái đáng sợ hơn, chính là họ không biết sợ.
Họ không sợ bây giờ đã đành, còn không sợ cả tương lai, dẫu vận mệnh của một cộng đồng trao cho họ quyền thay mặt để quyết định những điều buộc phải đúng, phản ánh ý chí, nguyện vọng của đám đông. Lý do không sợ là bởi đám đông chẳng có quyền gì; còn họ được bảo bọc bởi quyền lực… không biết sợ.
Chính điều này đã dẫn đến những thảm họa về môi trường, văn hóa với bao ứng xử độc ác, ngạo ngược. Họ đã bị ngủ đông, nên không hít thở cùng ta bầu khí quyển nặng trĩu ưu tư kia, không đi cùng ta con đường chật chội vỡ nát và hiểm họa rập rình, không cúi xuống thảm xanh loi nhoi cố lách mình qua bê tông thô bạo, không chạm tay vào chiếc cầu đá cổ hằn dấu dây giằng giữ và lai dắt những con tàu mà tiếng còi của nó là quá vãng vàng son của một thuở xây mơ ước cho bây giờ, không cùng ta vốc nước sông lên để thấy bùn rong cũng u hoài, thì làm sao mà đồng thanh trong giao hòa thân thiện và tin cậy vào những giá trị sống.
Không biết sợ bây giờ là thảm họa của ngày mai. Nhưng buồn thay, đám đông sợ hãi thì không có quyền gì và quá ít người biết sợ như ông Nguyễn Sự.
Trung Việt