Cần có lộ trình hợp lý khi tăng thuế với rượu, bia

23/10/2024 - 10:44

PNO - Dù ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn nhằm hạn chế việc tiêu thụ rượu, bia nhưng một số chuyên gia vẫn cho rằng, việc tăng thuế liên tục với mức cao có thể không mang lại hiệu quả.

Ngành rượu, bia sẽ càng ngắc ngoải

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Bộ Tài chính soạn thảo, có 2 phương án điều chỉnh thuế đối với rượu, bia.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên, phương án 1 là tăng mức thuế suất từ 65% hiện hành lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% và phương án 2 là tăng mức thuế suất lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm từ năm 2026-2030. Với rượu dưới 20 độ, phương án 1 là tăng mức thuế suất hiện hành từ 35% lên 40%, 45%, 50%, 55%, 60% và phương án 2 là tăng mức thuế suất hiện hành lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm từ năm 2026-2030. Đối với bia, phương án 1 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% và phương án 2 là tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong khoảng thời gian trên.

Giá rượu, bia sẽ tăng mạnh khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt - ẢNH: MAI CA (chụp tại siêu thị Kingfoodmart Phạm Hùng, quận 8, TPHCM)
Giá rượu, bia sẽ tăng mạnh khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt - ẢNH: MAI CA (chụp tại siêu thị Kingfoodmart Phạm Hùng, quận 8, TPHCM)

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam (VBA) - cho biết, những năm gần đây, ngành bia trong nước sụt giảm mạnh sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và đã có nhà máy phải đóng cửa do sức tiêu thụ giảm sút. Cụ thể, Heineken Việt Nam phải đóng cửa nhà máy Heineken Quảng Nam trong năm 2023; Sabeco từ năm 2021 tới nay tăng trưởng âm; Habeco trong năm 2023 có sản lượng tiêu thụ giảm 30% so với năm 2019, nộp ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% nhân công; Halico liên tục thua lỗ nhiều năm nay và đến cuối năm 2023, tổng lỗ 457,7 tỉ đồng.

“Việc tăng thuế sẽ tác động lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân và cả nền kinh tế. Do vậy, trước khi trình Quốc hội xem xét chính sách thuế mới, cần đánh giá thật kỹ lưỡng tác động của nó”.

Ông Nguyễn Văn Việt

Thừa nhận rằng các nước cũng đánh thuế nặng lên rượu, bia nhưng đại diện Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco cho rằng, cơ quan soạn thảo và thông qua luật cần cân nhắc tốc độ tăng, mức tăng cho hợp lý. Nếu thuế tăng cao, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, có thể đóng cửa nhà máy, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động và an sinh xã hội.

Chỉ tăng thuế là chưa đủ

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội), những năm qua, các doanh nghiệp rượu, bia chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và việc kiểm soát gắt gao nồng độ cồn. Việc tăng thuế cần được cân nhắc kỹ để không có quá nhiều tác động dồn dập lên doanh nghiệp. “Có thể ban hành luật sớm nhưng thời điểm áp dụng chậm hơn để người tiêu dùng, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi. Có thể giãn cách các đợt tăng thuế vài năm để thay đổi dần hành vi của người tiêu dùng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, kinh doanh mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước” - ông đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) - cũng đồng tình với việc tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn nhưng cho rằng, việc tăng liên tục, mức tăng cao có thể không mang lại hiệu quả. Theo bà, việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, hạn chế sức sản xuất rượu, bia nhưng không hẳn đạt được mục tiêu giảm sức tiêu thụ mặt hàng này. Tăng thuế cao cũng có thể khiến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu; người tiêu dùng có thu nhập thấp có thể chuyển sang tự nấu rượu, tự pha chế và bán cho nhau, không nộp thuế TTĐB, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Bà đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Có thể theo phương án năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm. Đồng thời, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp khác như thực hiện nghiêm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có các biện pháp quyết liệt chống hàng nhập lậu và đưa những người nấu rượu lẻ trong dân vào diện nộp thuế TTĐB.

Nên đánh thuế theo nồng độ cồn

Nên phân nhóm chịu thuế TTĐB, không nên đánh đồng rượu với bia. Nên áp dụng phương pháp tính thuế theo nồng độ cồn, tức là nồng độ cồn càng cao thì áp dụng mức thuế cao hơn để điều tiết hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, do thuế TTĐB là thuế tiêu dùng nhưng người nộp thuế lại là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ nên thuế này không tác động đến các đối tượng tự sản xuất, tự tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khỏe. Do đó, tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo luật bổ sung các tổ chức, cá nhân tự sản xuất và tự tiêu dùng đồ uống có cồn, thuốc lá vào diện nộp thuế TTĐB. Đồng thời, cần tăng chi ngân sách cho các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, tăng cường giải pháp chống trốn thuế, chống gian lận thuế.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích

Nguyên tắc của việc đánh thuế là đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo, nền kinh tế sẽ gián tiếp bị trì trệ, tiềm tàng nguy cơ trốn thuế. Mức tăng cao và mật độ tăng liên tục hằng năm như các phương án do Bộ Tài chính đề xuất có thể dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng, gây thất thu thuế. Do đó, cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam, nhằm tránh gây sốc cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Huyền Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI