Cần có khung cơ chế pháp lý chung về liêm chính học thuật

20/12/2023 - 06:36

PNO - Ngày 19/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong 10 năm trở lại đây, một trong các kết quả nổi bật của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta là số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế đã tăng mạnh.

Theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài, năm 2022 là gần 18.500 bài, đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ năm trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 châu Á và thứ 45 trên thế giới. Số lượng công bố quốc tế này góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu
Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu

Bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động khoa học công nghệ cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết; trong đó nổi lên tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, việc quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là cần thiết phải bàn để đưa ra một khung pháp lý và hoàn thiện dần dần. Mục đích liêm chính là cần hướng tới sự lành mạnh. Trước hết, con người cần ý thức được liêm chính trong đạo đức, hành vi của mình. Bên cạnh đó cũng cần tránh việc lợi dụng liêm chính để làm tổn thương các nhà khoa học.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tài Đông - Viện trưởng Viện Triết học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, nghị định; các quy định của Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, 
của nhiều trường, nhiều tạp chí; song chúng ta chưa có một quy định tổng thể và giờ cần có một khung cơ chế pháp lý chung cho quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (Trường đại học Công nghệ TPHCM) cũng mong muốn sẽ có một bộ quy tắc chung, để từ đó các trường chiếu vào xây dựng bộ quy tắc riêng. Cùng với đó là cơ chế hậu kiểm và một chế tài xử lý.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Hồng Thái nói: “2 bộ nhận thấy đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc về liêm chính và công bố; cố gắng tạo ra môi trường khoa học, công nghệ lành mạnh. Hội thảo là khởi đầu để 2 bộ cam kết đồng hành với các nhà khoa học, cơ quan truyền thông hướng tới nền giáo dục, khoa học tốt hơn”.

Ông nhấn mạnh, việc cần làm ngay là các đơn vị quản lý nhà nước nghiên cứu đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn, đôn đốc để các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính. Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để sớm có cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ, tạo tài nguyên cho quản lý nhà nước. Đồng thời sẽ nghiên cứu xem xét tiêu chí giám sát các tạp chí và định hướng phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI