Cần có kế hoạch khai thác tài nguyên lễ hội

25/02/2024 - 06:15

PNO - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trao đổi về vấn đề để lễ hội trở thành sản phẩm thu hút du khách.

Đã có những lễ hội được đầu tư bài bản, nghiêm túc để trở thành sản phẩm du lịch, nhưng con số này vẫn còn quá ít so với tổng số khoảng 9.000 lễ hội ở nước ta hiện nay. Làm thế nào để lễ hội trở thành sản phẩm thu hút du khách? Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về vấn đề này.

Người dân đến dự lễ hội đền Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa
Người dân đến dự lễ hội đền Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Phóng viên: Ở nhiều lễ hội, phần hội đang lấn át phần lễ và cũng được tổ chức khá tùy tiện, nặng tính thương mại. Theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc trao truyền giá trị cốt lõi của lễ hội?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Trong một xã hội đang phát triển kinh tế thị trường, yếu tố kinh tế được ưu tiên hàng đầu thì tâm lý xã hội sẽ nghiêng hẳn về giá trị vật chất, coi đó là thước đo hạnh phúc, cho nên việc thương mại hóa các hoạt động văn hóa là điều dễ hiểu. Không chỉ lễ hội mà từ lâu, nhiều hoạt động tôn giáo cũng đã “được” thương mại hóa, thậm chí có cả lừa đảo.

Trong sự kiện lễ hội, việc gia tăng phần hội, giản lược dần phần lễ là một điều tất yếu của sự phát triển văn hóa lễ hội. Vấn đề là cần có sự hài hòa giữa lễ và hội, gia tăng những yếu tố tích cực, giảm dần những yếu tố tiêu cực để mọi người tham gia lễ hội được thấy “vui như hội”.

Việc trao truyền các giá trị văn hóa cốt lõi nằm ở việc thấu hiểu lễ hội, phát huy và phát triển lễ hội. Chúng ta có năng lực xã hội để làm việc đó nhưng những chính sách cụ thể và thiết thực thì chúng ta chưa thực hành có hiệu quả. Công việc này lâu dài và bền bỉ, cần chính sách đúng đắn, nguồn lực hợp lý, con người thực thi tâm huyết.

Đi vận động lễ hội cũng khó như vận động cách mạng trước đây vậy. Để nhân dân cùng hiểu, cùng làm, đồng thuận là cả một quá trình vất vả. Nhân dân tổ chức lễ hội theo điều kiện và cách nghĩ của họ nên muốn nâng cao giá trị lễ hội, cần nâng cao dân trí.

Những tiêu cực xã hội như cờ bạc, rượu chè, mê tín, bạo lực... có trong xã hội hiện đại cũng tích hợp vào lễ hội. Nói tóm lại, cái gì tiêu cực trong xã hội đời thường thì ở lễ hội, nó có điều kiện bùng nổ như chúng ta đã thấy.

* Ông cho rằng lễ hội là thời điểm tích tụ và bùng nổ các biểu hiện về văn hóa, nhưng không phải lễ hội nào cũng khiến người dự thấy được tổng thể tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, kỹ năng lao động… ở chính nơi mình chôn nhau cắt rốn (chứ chưa nói đến du khách). Vậy, điểm yếu này là do đâu và cần khắc phục như thế nào?

- Mỗi lễ hội một khác nhau, khác ở thời điểm, điều kiện, tâm lý chủ thể. Nó khác ở chính người tổ chức, ban tổ chức và người dân - chủ thể của lễ hội. Trước đây, sau một tai họa thiên nhiên lớn như lụt bão tan hoang, mất mùa đói kém, sau một đợt tàn phá của chiến tranh ác liệt, nhiều lễ hội đã không được tổ chức. Có người nhớ, có người tiếc, có người thấy hợp lý. Không có gì là hoàn hảo cả. Chỉ có những kỳ vọng hướng đến hệ giá trị tốt đẹp trong tổ chức và thực hành lễ hội.

Theo tôi, cách khắc phục trước hết là nâng cao nhận thức về lễ hội cho những người tổ chức thực hành lễ hội. Chúng ta quan niệm lễ hội như là một di sản văn hóa truyền thống, vậy cái cần thiết là 4 trách nhiệm trước di sản mà UNESCO đã khuyến nghị: nghiên cứu thấu hiểu, bảo lưu bảo tồn, phát huy phát triển, quảng bá 
truyền thông.

Để thấu hiểu, cần kết hợp giữa chủ thể lễ hội trực tiếp và lực lượng nghiên cứu lễ hội, trong đó lực lượng nghiên cứu quan trọng hơn. Có thấu hiểu mới biết cần bảo tồn, bảo lưu cái gì, giá trị gì và cần thay đổi những gì cho phù hợp với nhân tâm, với tinh thần văn minh hiện đại.

Việc phát huy và phát triển cũng vô cùng quan trọng bởi trong thực tế, mỗi lễ hội là kết quả của nhiều thời kỳ lịch sử. Khó lòng tìm ra mẫu gốc của nó mà chỉ tìm thấy trong ký ức và truyền thuyết được ghi lại ở một thời điểm nào đó, thường là từ vài trăm năm trở lại đây thôi. Phát triển, đổi mới trên nền truyền thống là tất yếu. Truyền thông và quảng bá có mục đích là đem đặc sắc văn hóa của mình phục vụ rộng rãi nhân loại để tất cả mọi người trên trái đất đều được thụ hưởng những nét văn hóa đặc sắc của nhau. Đó là trách nhiệm.

* Một số địa phương xác định lễ hội là sản phẩm du lịch tiêu biểu của huyện mình, tỉnh mình. Nếu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 sản phẩm du lịch là lễ hội thì lễ hội chính là tài nguyên du lịch. Theo ông, để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hút khách thì chính quyền các địa phương, các cấp quản lý văn hóa cần phải làm gì?

- Ngành du lịch nên có sự đầu tư cho việc biến lễ hội thành sản phẩm du lịch, nhưng ngành văn hóa mới là chủ đạo. Rất tiếc là với các lễ hội cụ thể, chúng ta chưa làm được nhiều. Ngành văn hóa cần có kế hoạch phát triển tài nguyên lễ hội để biến nó thành nguồn thu cho quốc gia một cách hiệu quả nhất.

Trong chiến tranh, những nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ có thực tài đã được huy động đến các chiến trường, các địa phương để sáng tạo tác phẩm giàu truyền thống bản địa và đã tạo ra những giá trị không thể phủ nhận. 

Vậy, tại sao bây giờ, ta không làm được việc đó? Chúng ta phải nghĩ lại, xem lại các kế hoạch của thiết chế văn hóa để phát huy, phát triển lễ hội một cách hiệu quả nhất. Tôi cho rằng, nguồn lực tinh thần chúng ta không thiếu, cơ sở vật chất chúng ta không thiếu, cái chúng ta thiếu là những kế hoạch và bước đi cụ thể. 

* Xin cảm ơn ông. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI