Cần có định hướng đúng cho nông nghiệp đô thị

06/01/2023 - 06:39

PNO - TPHCM có vùng sản xuất nông nghiệp ở ven đô khá rộng lớn. Sản phẩm nông nghiệp ở đây có sẵn thị trường tiêu thụ với hàng chục triệu dân. Nông sản, thủy hải sản, trái cây, hoa kiểng… do nông dân làm ra không phải mất nhiều chi phí và thời gian vận chuyển để đến tay người tiêu dùng.

 

Không những vậy, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, năm nay, gần 250 tấn hạt giống các loại, hàng chục triệu con cá cảnh và hàng chục ngàn sản phẩm da cá sấu đã đến thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. 

TPHCM cũng là địa phương đầu tiên trong nước thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nhiều giống cây, con có chất lượng. 

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi đó, ngành nông nghiệp của TPHCM cũng đang đứng trước thách thức: biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nước và đất ngày càng giảm sút.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, diện tích đất nông nghiệp của TPHCM hiện còn khoảng 105.000ha. Giá trị tạo ra còn khiêm tốn đã khiến diện tích đất nông nghiệp ở TPHCM ngày càng bị thu hẹp. Mỗi năm, TPHCM giảm đi 1.500ha đất nông nghiệp. 

Trước đây, từng có ý kiến cho rằng, cần chuyển đổi hàng chục ngàn héc ta đất nông nghiệp ở ngoại thành TPHCM thành đất phi nông nghiệp. Tôi cho rằng, đây là chủ trương lớn, cần nghiên cứu thận trọng. Bởi lẽ, ngoài giá trị kinh tế, đất đai ngoại thành còn là không gian xanh, cân bằng sinh thái cho đô thị. 

Đôi khi, chúng ta quá chú trọng chạy theo sự phát triển để rồi đến một lúc nào đó, mọi người sẽ thèm không khí trong lành, thèm ngắm nhìn sông nước đồng quê hơn là những căn nhà chọc trời.

Ngành nông nghiệp TPHCM cũng đang đứng trước một vấn đề nan giải, đó là diện tích đất bỏ hoang khá nhiều. Dạo một vòng quanh các huyện ngoại thành, đâu đâu cũng thấy những vùng đất bỏ hoang. Đây là sự lãng phí rất lớn. Những khu đất bị bỏ hoang hoàn toàn có thể trở thành những khu sản xuất nông nghiệp xanh hay chí ít cũng là những công viên rừng, những mảng xanh để cải thiện “lá phổi” của thành phố.

Với các đô thị trong cả nước chứ không riêng TPHCM, để nông nghiệp đô thị phát triển, chỉ có cơ chế thôi là chưa đủ. Cần có định hướng đúng, khoa học và có nhiều “chất xúc tác” khác.
Đầu tiên là cần tổ chức lại sản xuất. Chỉ có hình thành những hợp tác xã bài bản mới tập hợp được các hộ và người lao động nghèo lại, hợp tác làm ăn và tích tụ được diện tích lớn để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra năng suất cao, chất lượng và hiệu quả cao. 

Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo những cán bộ biết lãnh đạo hợp tác xã, biết tổ chức sản xuất, am hiểu kinh doanh và làm nông nghiệp hiện đại. Cần tạo điều kiện cho người trẻ đi học làm nông nghiệp công nghệ cao, sau đó bố trí họ làm cán bộ, chuyên viên kỹ thuật ở các hợp tác xã theo chuyên ngành đã học. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, nhất là tài chính để nông dân yên tâm sản xuất. 

Cần nhận thức rõ ràng rằng, nông nghiệp ở đô thị không phải là một ngành thứ yếu. Sản phẩm nông nghiệp có thể góp phần tạo nên thương hiệu cho một đô thị nếu biết phát huy hiệu quả.
Nền nông nghiệp nước ta đang gặp phải vấn đề môi trường. Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề. Khi môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ bị ô nhiễm và thật tai hại nếu con người dùng nông sản, thực phẩm bẩn. 

Để nông nghiệp TPHCM phát triển bền vững, cần hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái, loại trừ dần việc dùng hóa chất độc hại. 

Nước ta nay đã thoát nghèo. Do đó, cần quan tâm phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường cùng lúc, như nhau. Từ định hướng đó, TPHCM cần phải bảo vệ vành đai xanh ngoại thành, gìn giữ đất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp xanh, tôn tạo cảnh quan sông Sài Gòn, xử lý ô nhiễm kênh rạch, đặc biệt là bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm biến dạng biển đảo, quyết tâm bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.

Nếu có định hướng đúng, tích cực, có chủ trương tạo đòn bẩy về nguồn nhân lực và tài chính hỗ trợ, với các chất xúc tác nêu trên, chắc chắn nông nghiệp đô thị của TPHCM sẽ vươn xa, môi trường sinh thái sẽ ổn định trước biến đổi khí hậu. 

Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI