Công nhân từ các tỉnh về TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương… làm việc và sinh sống lâu dài đang gặp nhiều khó khăn. Là một chủ nhà trọ ở TPHCM, tôi hiểu và nghĩ rằng, cái mọi người cần không chỉ là những suất quà nhu yếu phẩm, miễn giảm tiền thuê phòng hay tấm vé xe về quê ăn tết. Những chương trình hỗ trợ này dù rất thiết thực, ý nghĩa, nhưng theo tôi là chưa đủ.
Tôi hy vọng trong nhiệm kỳ mới, chính quyền các tỉnh, thành phố và ngành điện, ngành nước sẽ xem xét cấp đồng hồ điện, đồng hồ nước riêng cho từng hộ thuê trọ để được hưởng giá ưu đãi.
|
Không phải gia đình công nhân, lao động nào vào TPHCM hay các đô thị lớn làm việc cũng may mắn có nơi gửi con tử tế như nhà trẻ tại Khu công nghiệp Hiệp Phước - huyện Nhà Bè - Ảnh: HC |
Việc đi học của các cháu là con em công nhân vẫn còn nan giải. Tại TPHCM, đa phần trường học đều ưu tiên cho trẻ thường trú trước, còn dư chỗ mới tới trẻ tạm trú, nên nhiều cháu phải đi học rất xa nơi ở. Những năm qua thành phố có chủ trương xây dựng thêm nhà trẻ, trường học để hỗ trợ con em lao động nhập cư, nhưng dường như chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.
Thiết nghĩ, cần tăng ngân sách đầu tư xây dựng và củng cố hệ thống nhà trẻ để không những nhận trẻ vào học mà còn giữ trẻ ngoài giờ hành chính; cân đối số lượng trường học ở từng khu dân cư nhằm tránh tình trạng thừa - thiếu trường học. Khi công nhân an tâm về chuyện gửi con, biết con được học trong môi trường đảm bảo an toàn, không phải lập cập chuyện đưa đón… thì mới yên tâm làm việc hiệu quả.
Trong dự thảo văn kiện có đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Theo tinh thần ấy, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi về chính sách chăm lo đội ngũ công nhân và người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội.
Tôi hy vọng, một trong những đổi thay đó sẽ là sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu vui chơi, giải trí quanh khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư đông người thuê trọ. Quy mô không cần quá lớn, nhưng phải đủ không gian, tiện ích cho bọn trẻ và cả người lớn được vui chơi phát triển và nghỉ ngơi tái tạo sức lao động sau những giờ làm việc căng thẳng.
Chúng ta có nhiều chương trình tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ, nên bỏ cụm từ “trẻ em nghèo”, “con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn”, không nên gieo vào tâm trí các con ý nghĩ “mình nghèo nên có quà”.
Chu Thị Trọng
(quận Thủ Đức, TPHCM)