Cần có chính sách phát triển loại nhà cho thuê

14/03/2024 - 06:27

PNO - Để thay đổi tâm lý muốn sở hữu nhà thay vì đi thuê, Nhà nước cần có các chính sách về phát triển loại hình nhà cho thuê với mức giá phù hợp với thu nhập.

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng liên quan đến “giấc mơ an cư” của người dân trong bối cảnh giá nhà, đất tăng. 

Phóng viên: Giá căn hộ chung cư liên tục tăng. Liệu đang có một “cơn sốt ảo” giá nhà, đất?

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển: Trước đây, Nhà nước không cho phép đầu cơ hay đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, dần dần, cùng với sự phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước đã công nhận chủ quyền của người dân, sau đó công nhận hình thức đầu tư bất động sản. Từ đó, bất động sản được “cởi trói” và nó được xem như kênh đầu tư siêu lợi nhuận trong nhiều năm.

Giá nhà chung cư trung cấp, cao cấp phục vụ nhu cầu ở thực không ngừng tăng. Ảnh: DH
Giá nhà chung cư trung cấp, cao cấp phục vụ nhu cầu ở thực không ngừng tăng. Ảnh: DH

Thêm nữa, trước đây, hạ tầng chưa phát triển nên giá đất rất thấp. Việc Nhà nước đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng cũng góp phần tác động đến giá nhà, đất. Trong và ngay sau đại dịch COVID-19, giá bất động sản vẫn tăng bất chấp suy thoái kinh tế. Việc tăng giá đó một phần là do đầu cơ. 

Trong giai đoạn 2018-2021, người ta nói “đầu tư vào căn hộ chung cư là lỗ” nên tập trung vào đất nền, khiến giá chung cư chững lại trong một thời gian dài. Việc tăng giá hiện nay cho thấy, nhu cầu ở của người dân là có thật. Đây không phải là cơn sốt giá ảo, mà nó phản ánh đúng một phần giá trị.

* Hiện nay, nhiều người có nhu cầu về nhà ở không thể tìm được căn hộ có giá dưới 2 tỉ đồng. Nói thẳng ra là, những người có thu nhập trung bình trở xuống thì không có “cửa” mua được nhà ở bất kỳ dạng nào. Theo ông, đây có phải là điều bất cập?

- Chúng ta luôn mong muốn mọi người lao động đều có được căn nhà để ở với giá hợp lý, vừa với thu nhập của họ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn dưới nhiều góc độ. Ở các nước phát triển, cũng chỉ có một bộ phận nhỏ người dân có nhà, còn phần lớn người ta chọn thuê nhà để không bị áp lực về thu nhập. Những người đó vẫn có cuộc sống thoải mái trong chỗ ở của mình. Còn những người quyết tâm có căn hộ ở thành phố lớn thì phải tiết kiệm rất lâu. 

Ở Việt Nam, người dân vẫn có quan niệm rằng mua một căn hộ không chỉ là mua chỗ ở mà còn giống như mua một tài sản đầu tư lâu dài cho con, cho cháu. Quan niệm này khiến người dân cố sở hữu một căn nhà dù gặp phải vô vàn khó khăn.

* Giải pháp nào để người có thu nhập trung bình, thấp tiếp cận được với nhà ở, thưa ông?

- Đây là một câu hỏi lớn mà nhiều năm nay, cả hệ thống chính trị tập trung tìm lời giải. Theo tôi, để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở, ngoài việc tiếp tục tăng tiền lương, cần đô thị hóa khu vực nông thôn. Về vấn đề này, Hà Nội và các vùng lân cận có lợi thế hơn các tỉnh, thành phía Nam do còn nhiều đất công giao cho nông dân hoặc cho thuê. Nói cách khác, Hà Nội có thể phát triển những vùng ngoại ô để tăng cơ hội có nhà ở cho người thu nhập thấp. Muốn vậy, đề án chuyển đổi phải chi tiết và khả thi, trong đó chú ý đến việc chuyển đổi đất nông nghiệp qua đất ở mà những đất nông nghiệp đó phải là những đất thuộc về sở hữu nhà nước tạm giao cho dân.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, người Việt có tâm lý muốn sở hữu nhà thay vì đi thuê như ở nhiều nước phát triển. Để có sự thay đổi, Nhà nước cần có các chính sách về phát triển loại hình nhà cho thuê với mức giá phù hợp với thu nhập. Chúng ta có thể có các tòa nhà dành riêng cho người đi thuê, đảm bảo người thuê nhà có cuộc sống ổn định, lâu dài.

* Xin cảm ơn ông.

Bảo Khang (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI