Cần có chiến lược giao tiếp khi muốn con phát triển đa ngôn ngữ

23/09/2023 - 06:20

PNO - Với tư cách là một bà mẹ nuôi con với 3 thứ tiếng ngay từ khi còn nhỏ, tôi cho rằng trẻ em có khả năng vô hạn trong việc tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ.

Ở nhiều khu vực trên thế giới, trẻ em sinh ra được tiếp xúc và nói nhiều hơn 1 ngôn ngữ một cách tự nhiên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của việc nói đa ngôn ngữ (có khả năng giao tiếp từ 2 thứ tiếng trở lên). Điều này đã góp phần làm gia tăng tỉ lệ các bậc cha mẹ quan tâm đến việc hỗ trợ con trở thành người nói song ngữ. Nhưng cũng dễ hiểu là các bậc cha mẹ vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là liệu trẻ có bị “bối rối” giữa nhiều ngôn ngữ?

Rối loạn ngôn ngữ là tình trạng người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể biểu đạt và thông hiểu lời nói, ngôn từ
Rối loạn ngôn ngữ là tình trạng người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp, không thể biểu đạt và thông hiểu lời nói, ngôn từ

Theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là một bà mẹ nuôi con với 3 thứ tiếng ngay từ khi còn nhỏ, tôi cho rằng trẻ em có khả năng vô hạn trong việc tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ. Trẻ không hề bị bối rối và lẫn lộn giữa ngôn ngữ này và ngôn ngữ nọ như người lớn vẫn tưởng, vấn đề ở chỗ trẻ không đủ vốn từ vựng để sử dụng. 

Hãy tưởng tượng, một em bé được sinh ra, mọi người xung quanh đều nói chung 1 ngôn ngữ, bé sẽ có toàn thời gian để tiếp xúc với 1 ngôn ngữ nên sẽ nhanh “thuộc bài” và giao tiếp dễ dàng. Đối với trẻ cùng lúc tiếp xúc 2-3 thứ tiếng, sẽ cần gấp đôi hoặc gấp ba thời gian để ghi nhớ, tăng vốn từ… Khi có đủ vốn từ vựng và hiểu cách diễn đạt trong từng ngôn ngữ, trẻ sẽ phát triển bình thường và chuyển đổi ngôn ngữ một cách nhanh nhẹn. 

Vấn đề chính là cha mẹ cần tạo môi trường tiếp xúc đồng đều cho trẻ và cần nhất quán trong việc ai giao tiếp ngôn ngữ nào với trẻ. Trẻ không bị khó khăn trong việc dùng nhiều ngôn ngữ nhưng nếu trẻ không đủ vốn từ để diễn đạt thì sẽ không nói được. Hoặc nếu cha mẹ nói cùng lúc nhiều ngôn ngữ với trẻ thì trẻ sẽ bối rối trong việc lựa chọn ngôn ngữ nào để giao tiếp với người nào. 

Tôi nói tiếng Việt, chồng tôi nói tiếng Ba Lan, và ngôn ngữ giao tiếp của chúng tôi là tiếng Anh. Vì vậy, khi con tôi chào đời, bé được tiếp xúc một cách thụ động 3 ngôn ngữ này. Tôi chỉ nói chuyện và giao tiếp với con bằng tiếng Việt, còn chồng tôi nói với bé bằng tiếng Ba Lan, khi 3 chúng tôi nói chuyện với nhau thì bé dùng tiếng Anh. 

Cũng như các bé đa ngôn ngữ khác, con tôi chậm nói khi còn nhỏ nhưng bé hoàn toàn hiểu những gì được nghe trong 3 ngôn ngữ đó. Hằng ngày, tôi và chồng tôi vẫn đọc sách cho bé nghe. Người nào đọc sách theo ngôn ngữ của người đó để bé quen và chuẩn bị đủ vốn từ đến khi nào bé biết diễn đạt chủ động sẽ “có đủ vốn” để xài. Đến khoảng gần 2 tuổi, bé bắt đầu nói những từ đầu tiên một cách có ý nghĩa và đến bây giờ con trai tôi nói nhiều không ngưng nghỉ cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Do học trường song ngữ Anh - Việt nên 2 ngôn ngữ này của bé phát triển khá tốt. Tiếng Anh hàn lâm có phần nổi trội hơn, còn tiếng Việt nghiêng nhiều về giao tiếp. Riêng tiếng Ba Lan, do không được dạy đọc, viết một cách chính thống nên bé có thể nghe hiểu và nói lại ở mức đơn giản.

Thỉnh thoảng, con muốn kể cho tôi nghe những vấn đề phức tạp nhưng do không đủ vốn từ tiếng Việt, hoặc lười biếng, cậu bé sẽ kể bằng tiếng Anh, nhưng tôi diễn đạt lại bằng tiếng Việt để bé hiểu. Nếu tôi thỏa hiệp thì lâu ngày bé sẽ trở nên lười biếng và chọn nói tiếng Anh cho tiện. Chính sự nhất quán của người lớn sẽ giúp khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển vì khi chúng cần giao tiếp bắt buộc phải động não để “moi” đủ vốn từ mình có, và thói quen này trở thành phản xạ.

Nhất Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI