Cần có chiến lược bài bản để nâng cao giá trị xuất khẩu lao động

06/12/2023 - 06:01

PNO - Ngày 5/12, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tổ chức hội nghị đối thoại về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài diện chuyên gia, tu nghiệp sinh và hợp tác lao động, đi từ TPHCM.

Nhiều cơ hội để ra nước ngoài làm việc

Ông Nguyễn Đức Minh - Phó đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản - thông tin, có khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài ở Nhật Bản. Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản được đánh giá cao về khả năng tiếp thu, học hỏi, sự chăm chỉ. 

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Về thị trường lao động Nhật Bản, ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ VIENC, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group - nêu ví dụ cụ thể trong lĩnh vực logistics (lưu giữ, chuyên chở, cung ứng hàng hóa). 365 Group đang liên kết với Tập đoàn Logistics Yamato. Tập đoàn này hiện có hơn 200.000 nhân viên, trong đó có khoảng 160.000 người làm việc trong lĩnh vực vận chuyển và giao nhận hàng hóa. Do dân số Nhật Bản già hóa và giảm sút nên ngành logistics không thể tuyển đủ người. Tập đoàn Yamato đang phải cạnh tranh với các công ty khác để thu hút và giữ chân nhân viên, đồng thời tìm kiếm các nguồn lao động mới, như lao động người nước ngoài, lao động nghỉ hưu, lao động bán thời gian. 

Bà Tạ Thị Thanh Thúy - Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc - cho biết, đang có gần 260.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ở Hàn Quốc, trong đó có khoảng 65.000 người đang làm việc. Người lao động đến Hàn Quốc theo diện hợp tác chiếm khoảng 35.000 người, lao động có tay nghề khoảng 6.000 người. 

Người Hàn Quốc trong độ tuổi lao động cũng ngày càng giảm và tỉ lệ sinh ngày càng thấp (0,7%). Dự kiến đến năm 2030, Hàn Quốc chỉ còn 33,8 triệu người trong độ tuổi lao động. Đến tháng 6/2022, Hàn Quốc có 230.000 chỗ làm bị trống, tập trung trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ngành đóng tàu. Ngành vận tải biển và đóng tàu của Hàn Quốc cần 123.000 người lao động vào năm 2027 và trong 5 năm tới, riêng ngành đóng tàu cần 43.000 người lao động. 

Hàn Quốc đã bổ sung chính sách visa để người nước ngoài dễ dàng đến làm việc hơn; cho phép thực tập sinh, học sinh, sinh viên được chuyển đổi sang diện lao động có tay nghề; tăng chỉ tiêu, tỉ lệ thu hút người lao động nước ngoài từ 20% lên 30%. Ngành đóng tàu của Hàn Quốc cũng đưa ra những yêu cầu thoáng hơn trong tuyển dụng lao động nước ngoài. “Chúng ta có rất nhiều cơ hội để đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc” - bà Tạ Thị Thanh Thúy nhận định. 

Ông Đỗ Minh Hoài - Trợ lý chủ nhiệm, Trưởng ban Quản lý lao động, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc - thông tin, trong 10 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp đã kết nối, đưa được hơn 50.000 người Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Tính đến cuối tháng 10/2023, người lao động Việt Nam chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài ở Đài Loan. Lãnh thổ này cũng đang già hóa dân số nên đang “khát” nguồn nhân lực kỹ thuật bậc trung và chấp nhận trả lương cao. 

Định vị rõ hơn hoạt động xuất khẩu lao động

Theo ông Đỗ Minh Hoài, Đài Loan là thị trường nhập khẩu lao động giàu tiềm năng. Nguồn nhân lực Việt Nam cũng từng bước được cải thiện về chất lượng và có lợi thế trong lĩnh vực chế tạo. Nhưng hiện nay, còn 55.000 người lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp và làm việc ngoài hợp đồng, chiếm 64% tổng số lao động tại Đài Loan. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm việc “chui” là do người lao động bị xúi giục, muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, việc kết nối lao động bất hợp pháp tồn tại rất lâu nhưng chính quyền sở tại chưa mạnh tay xử lý. Trong khi đó, số lượng cán bộ làm công tác bảo hộ công dân Việt Nam cũng rất mỏng so với số lao động hiện có. 

Ông Lê Long Sơn - Tổng giám đốc Công ty Esuhai - cho hay, Esuhai có 17 năm kinh nghiệm phái cử thực tập sinh, kỹ sư, du học sinh sang Nhật Bản. Theo ông, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn: nhiều người nhận thức rằng ra nước ngoài làm việc chỉ để có việc làm, thu nhập cao, thoát nghèo nên không cố gắng học tập, vượt qua thử thách trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho người đi xuất khẩu lao động chưa đồng bộ ở các tỉnh, thành, còn gây khó khăn cho người lao động; công tác giải quyết việc làm cho người lao động về nước cũng chỉ mới dừng lại ở chủ trương mà chưa có chương trình hành động cụ thể. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có cơ chế rõ ràng về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người ra nước ngoài làm việc.

Do đó, ông kiến nghị, Chính phủ cần định vị rõ hơn hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Trong đó, cần có lộ trình nâng cao chất lượng nguồn lao động để tăng sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng của dịch vụ xuất khẩu lao động; đặt ra mục tiêu quốc gia liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động, trong đó có số lượng, ngành nghề đưa đi, thị trường cần ưu tiên, mục tiêu về lượng ngoại tệ gửi về nước, chất lượng người lao động khi về nước…

“Nhà nước nên xem hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài là một giai đoạn trong quá trình đào tạo, nâng cao tay nghề, chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong hệ thống trường trung cấp, đại học và cao đẳng. Đặc biệt coi trọng hoạt động đào tạo trước khi nhập cảnh; hướng việc xuất khẩu lao động đến những đất nước phát triển, có thế mạnh về các ngành nghề mà Chính phủ Việt Nam chọn làm ngành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế” - ông Lê Long Sơn kiến nghị.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quốc Bảo - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng, định cư ở Pháp - cho rằng, việc người Việt làm việc ở các nước tiên tiến vừa đóng góp vào lượng kiều hối hằng năm, vừa đóng góp gián tiếp cho việc xây dựng chính sách, phát triển xã hội của Việt Nam nhờ vào những trải nghiệm quý báu khi công tác ở môi trường tiên tiến. Do đó, ông đề nghị, để hoạt động xuất khẩu lao động đóng góp một cách hiệu quả vào sự phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam nên có nhiều chính sách thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài về nước, làm việc cho các cơ quan trong nước. 

Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu chưa cao

TPHCM có tiềm năng lớn về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, với nguồn cung lao động dồi dào, nhiều chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. 
Hiện ở TPHCM, có 70 doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp đưa từ 10.000-14.000 người ra nước ngoài làm việc với thu nhập bình quân khoảng từ 15-28 triệu đồng/người/tháng. Người lao động ra nước ngoài làm việc phần lớn chưa qua đào tạo, làm công việc 
giản đơn.  

Ở những thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), người sử dụng lao động rất thích lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh. Tuy nhiên, thực tiễn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại TPHCM những năm qua cũng cho thấy, đã xuất hiện những vấn đề cần được nghiên cứu, có biện pháp giải quyết thấu đáo. Đó là hiệu quả kinh tế, xã hội của hoạt động này chưa cao, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chủ yếu do trình độ ngoại ngữ còn thấp so với yêu cầu, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao, nhận thức về quan hệ chủ - thợ trong cơ chế thị trường chưa đầy đủ, một bộ phận người lao động không tuân thủ hợp đồng và các cam kết đã ký, bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế. 

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI