Cần cơ chế phù hợp hơn là đặc thù

14/09/2022 - 06:35

PNO - Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), HĐND TPHCM đã có thể quyết định chuyển mục đích sử dụng gần 1.850ha đất trồng lúa theo quy hoạch cho 32 dự án và quyết định sáu dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách thành phố.

 

5 năm qua, chính quyền TPHCM thu được 391 tỷ đồng từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thu hơn 131 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; cơ chế ủy quyền giúp giảm bớt thủ tục hành chính; cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM có được khoản thu nhập tăng thêm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 cũng làm lộ rõ các vướng mắc của TPHCM để từ đó Quốc hội, Chính phủ xem xét có những sự điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp. 

Nghị quyết 54 nêu nguyên tắc “trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật và nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này”. Nghị quyết 54 còn cho phép “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND TPHCM quyết định”.

Thế nhưng, trong lúc thực thi nghị quyết, nhiều trường hợp phát sinh có mâu thuẫn giữa các quy định, UBND TPHCM gửi văn bản hỏi ý kiến các bộ, ngành thì thường nhận được câu trả lời là phải thực hiện theo quy định hiện hành. Chẳng hạn, trong bốn năm qua, TPHCM chưa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị cấp Trung ương đóng ở TPHCM để đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội do các đơn vị này chưa chủ động phối hợp thực hiện. 

Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - sau khi Nghị quyết 54 ra đời, quyền chủ động của địa phương đã được mở rộng nhưng nhìn chung vẫn hạn chế, vẫn nặng kiểu xin - cho; văn bản pháp luật còn chồng chéo, xung đột. Gần đây, chính quyền TPHCM kiến nghị có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, cơ chế, chính sách phù hợp mới là “bà đỡ” để TPHCM tăng tốc phát triển. Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị, trong đó có quy định về đô thị đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, tránh tình trạng có quá nhiều “cơ chế đặc thù”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, một trong những người biên tập, chấp bút cho đề án chính quyền đô thị của TPHCM hồi năm 2007 - luôn khẳng định, TPHCM cần được khoác chiếc áo phù hợp chứ không phải đặc thù. Theo ông, cơ chế, chính sách cần phù hợp với vị trí, vai trò và quy mô của một thành phố đóng góp hơn 1/4 ngân sách cả nước, là đầu tàu kinh tế, trung tâm của mọi lĩnh vực và là một động lực để phát triển. Để giải quyết tận gốc vấn đề tự chủ cho TPHCM, theo ông, việc phân cấp, phân quyền công vụ còn quan trọng hơn vấn đề tự chủ ngân sách và đó chính là mô hình chính quyền đô thị mà chính quyền TPHCM đã đề xuất xây dựng từ hơn 15 năm trước.

Vào giữa tháng 8/2022, Chính phủ đã thí điểm lập tổ công tác của Thủ tướng nhằm đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc cho TPHCM trong quá trình triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đẩy nhanh việc hoàn thành lập quy hoạch TPHCM trước ngày 31/12/2022…

Trong khi chờ một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hoặc một bộ luật về đô thị, việc lập tổ công tác này là rất cần thiết. Tuy nhiên, tổ này cần do một thành viên trong Thường trực Chính phủ chủ trì, dẫn dắt, chịu trách nhiệm thì các vướng mắc, rào cản mới nhanh chóng được giải quyết, từ đó giúp TPHCM bứt tốc phát triển, xứng tầm với tiềm năng, kỳ vọng. 

Đoàn Vệ Quốc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI