Dự án nào cũng vướng khâu giải phóng mặt bằng
Đã gần 10 năm kể từ khi khởi công, đến nay, hơn 2,3km đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) vẫn chưa được mở rộng hoàn toàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường, còn nhiều nơi bị bó hẹp, một số chỗ đang được rào chắn để thi công, như đoạn từ đường An Tư Công Chúa đến số nhà 7/14C, đoạn đối diện số 333 đến hẻm 280. Đoạn từ đường Nguyễn Hoàng ra đường Mai Chí Thọ dài 600m cũng rất chật hẹp, các phương tiện di chuyển khó khăn.
|
Một “nút thắt cổ chai” trên đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) do vướng khâu giải phóng mặt bằng - Ảnh: Vũ Quyền |
Dự án nâng cấp đường Lương Định Của đoạn từ đường Trần Não đến đường Nguyễn Thị Định được khởi công từ tháng 4/2015, tổng vốn đầu tư hơn 826 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (TCIP) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đoạn đường dài 2,3km này được nâng cấp, mở rộng từ 7 - 8m lên 30m, quy mô 6 làn xe, dự kiến hoàn thành sau 2 năm, nhưng do vướng khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) nên sau gần 10 năm, vẫn ngổn ngang.
Chị Huỳnh Thị Mỹ - ở phường Bình An, TP Thủ Đức - cho biết, trước đây, đường Lương Định Của dày đặc “ổ voi”, “ổ gà”, thường xuyên ngập úng mỗi khi có mưa. Hệ thống thoát nước bây giờ đã tốt, đường cũng đẹp hơn nhưng bụi vẫn mù mịt. Bên cạnh đó, vào giờ cao điểm, ngã tư Lương Định Của - Mai Chí Thọ thường kẹt xe. Chị Mỹ chỉ hy vọng tuyến đường này sớm được hoàn thiện để việc đi lại thuận tiện, cư dân đỡ chịu cảnh khói bụi, kẹt đường.
Tương tự, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 được khởi công từ tháng 4/2010 theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Dự án này được dự kiến hoàn thành trong 3 năm, nhưng đến nay vẫn dang dở do ách tắc ở khâu GPMB. Hiện việc thi công trục chính xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến cổng chính Đại học Quốc gia TPHCM đã hoàn thành nhưng đường song hành 2 bên vẫn chưa thông suốt.
Dự án đường Vành Đai 2 đoạn qua TPHCM dài 64km cũng gặp tình trạng tương tự vẫn chưa thể làm xong sau 17 năm được duyệt quy hoạch. Trong 4 đoạn đường với tổng chiều dài 14km chưa hoàn thành, đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa ở TP Thủ Đức) dài khoảng 2,7km đã được khởi công từ năm 2017, tổng vốn đầu tư 2.765 tỉ đồng nhưng phải dừng thi công từ tháng 3/2020 khi mới đạt 44% khối lượng do gặp vướng trong khâu GPMB và trong thủ tục thanh toán.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, có hàng chục dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bị đình trệ, chậm tiến độ, chủ yếu do vướng ở khâu GPMB. Nhiều dự án được khởi công khi chưa có đủ “mặt bằng sạch” nên nhà thầu phải thi công kiểu cuốn chiếu, làm được 1 đoạn lại phải dừng và chờ.
Tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, triển khai trước
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc TCIP - cho biết, theo quy trình như lâu nay, sau khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư mới có cơ sở cắm cọc, bàn giao ranh mặt bằng cần giải tỏa cho UBND các quận, huyện đo vẽ, kiểm đếm, lập hồ sơ bồi thường cũng như xác định nhu cầu, hình thức tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Các công đoạn trên rất phức tạp, ngốn nhiều thời gian.
Nhưng riêng với dự án đường Vành Đai 3 đoạn qua TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án, trước cả khi có báo cáo tiền khả thi. Đơn vị có thẩm quyền duyệt ranh của dự án làm cơ sở pháp lý cho các địa phương cắm mốc, giao ranh, làm cơ sở đo vẽ, thống kê, cập nhật pháp lý, rà soát cơ cấu đất cần thu hồi, GPMB. Đến khi báo cáo tiền khả thi của dự án được duyệt thì các số liệu, hồ sơ để phục vụ việc GPMB đã cơ bản được hoàn tất.
|
Công nhân đang thi công đường Vành Đai 3 - Ảnh: Vũ Quyền |
Nhờ cơ chế này, chính quyền TPHCM đã tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đường Vành Đai 3 rất hiệu quả, rút ngắn thời gian từ 1-1,5 năm so với khi làm theo quy trình thông thường. Chỉ sau 1 năm kể từ khi dự án có quyết định chủ trương đầu tư, các địa phương đã tổ chức bàn giao mặt bằng gần 87%.
Ông Lương Minh Phúc cho hay: “Việc triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở dự án đường Vành Đai 3 ở TPHCM trở thành mô hình kiểu mẫu để tiếp tục nghiên cứu, áp dụng cho các dự án có thu hồi đất, có yêu cầu cấp bách về tiến độ. Hiện nay, TCIP đang triển khai các dự án trọng điểm với quy mô lớn, như đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường Vành Đai 4 đoạn qua TPHCM, đường Vành Đai 2 đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng)… Chúng tôi đang đề xuất được áp dụng cách làm như với đường Vành Đai 3 để đẩy nhanh tiến độ GPMB”.
Đồng tình với cách làm này, tiến sĩ Nguyễn Thiềm (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) đánh giá, GPMB là công việc phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, phải thực hiện rất nhiều bước, nhiều thủ tục nên cần ưu tiên triển khai trước một bước. Tiến độ thực hiện dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ GPMB. Khi có “mặt bằng sạch”, việc thi công rất nhanh chóng.
|
Nhờ cách làm mới, dự án làm đường Vành Đai 3 ở TPHCM có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh kỷ lục - Ảnh: Vũ Quyền |
Do đó, theo ông, việc tách dự án bồi thường, GPMB thành dự án riêng và giao hẳn cho chính quyền địa phương thực hiện trước sẽ tăng tính chủ động, giúp công tác này được triển khai thuận lợi, nhanh chóng, giải quyết thỏa đáng quyền lợi, nhu cầu của người dân có đất bị giải tỏa. Thủ tục phê duyệt 1 dự án lớn phức tạp, tốn thời gian, nếu đợi đến khi phê duyệt dự án mới bắt đầu triển khai các thủ tục để GPMB thì chi phí đền bù bị đội lên, làm đội vốn đầu tư dự án.
Đề nghị có hướng dẫn về phê duyệt ranh giải tỏa Để đẩy nhanh tiến độ GPMB ở các dự án trọng điểm, UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Xây dựng, đề nghị hướng dẫn việc phê duyệt ranh GPMB trước khi phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tháng 4/2023, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Theo đó, Thường trực Chính phủ cho phép chính quyền TPHCM thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án nhóm A (có dự án thành phần GPMB) tương tự như khi làm đường Vành Đai 3. Thường trực Chính phủ giao Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc này để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án giao thông trọng điểm. Nhưng đến nay, UBND TPHCM chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong công văn mới đây, UBND TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) GPMB theo từng giai đoạn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. |
Nhiều dự án bị đội vốn do khâu đền bù, giải tỏa Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 30m (dài 2km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, TP Thủ Đức) vừa được HĐND TPHCM đồng ý tăng vốn đầu tư từ hơn 1.400 tỉ đồng lên gần 2.100 tỉ đồng. Do bị ách tắc trong khâu GPMB, vốn đầu tư công trình đã tăng thêm 700 tỉ đồng đền bù, giải tỏa. Tương tự, dự án mở rộng đường Chu Văn An đoạn từ ngã năm Bình Hòa đến đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh) cũng được điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng. Đoạn đường dài 600m này sẽ được mở rộng từ 5 - 6m lên 23m. So với quy hoạch lần trước, chiều dài và chiều rộng đường đều giảm nhưng tổng vốn đầu tư lại tăng gần 400 tỉ đồng sau khi cập nhật lại chi phí GPMB. Dự án nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) cũng bị đội vốn từ 1.998 tỉ đồng lên 3.622 tỉ đồng; dự án cải tạo kênh Hàng Bàng đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (quận 5) bị đội vốn từ 188 tỉ lên 779 tỉ đồng; các dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, cầu Bà Hom (quận Bình Tân), cầu Ông Nhiêu và cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) cũng bị đội vốn sau nhiều năm đình trệ do ách tắc ở khâu GPMB. |
Phạm Luận - Vũ Quyền