Cần cơ chế hỗ trợ để nâng chất lượng nhà cho thuê

20/09/2023 - 16:37

PNO - Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Xây dựng một số góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo HoREA, hiện TPHCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 285.000 công nhân, chưa bao gồm rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập và có cả doanh nghiệp có quy mô rất lớn nằm ngoài khu công nghiệp.

Thành phố hiện có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động (chưa bao gồm các hộ gia đình dành phòng cho thuê).

Trong khi đó, theo khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố thì với chi phí thuê phòng trọ khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng nhưng số tiền thuê nhà đã chiếm tới 25 - 30% thu nhập của người lao động và có khoảng 60% người lao động chỉ có nhu cầu thuê ở trong thời gian 10-15 năm làm việc tại thành phố, có tích lũy chút vốn rồi sau đó trở về quê. 

Một
Một khu nhà trọ xập xệ trên địa bàn TPHCM.

Trong nhiều năm qua, các chủ nhà trọ đã là lực lượng chủ lực đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng chỗ ở thuê cho hàng triệu công nhân, lao động, sinh viên học sinh và người nhập cư, nên rất cần thiết có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các chủ khu nhà trọ nâng cao chất lượng và các dịch vụ, tiện ích phục vụ người thuê ở. 

Đơn cử, tại TPHCM đã có khoảng 560.000 phòng trọ giải quyết cho khoảng 1,4 triệu người thuê ở, mà TPHCM thường chiếm 25-30% so với cả nước, có thể suy cả nước có khoảng 1.866.000 - 2.240.000 phòng trọ, giải quyết cho khoảng 4,2-5,6 triệu người thuê ở.

Nhưng, Luật Nhà ở 2014 và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa quy định chính sách “hỗ trợ cải thiện nhà ở”, về tín dụng, về thuế đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

HoREA kiến nghị bổ sung đối tượng là “hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở” được Nhà nước “hỗ trợ cải thiện nhà ở” tùy theo nguồn lực ngân sách và điều kiện cụ thể của địa phương vào Điều 108, Điều 109 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ “hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”. 

Đồng thời, quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở, chưa cho phép doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Nếu cho phép doanh nghiệp được tham gia thì đảm bảo chất lượng xây dựng khu nhà trọ và các tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động tốt hơn, tạo “áp lực” cạnh tranh lành mạnh buộc các hộ gia đình, cá nhân đang sở hữu các khu nhà trọ phải đảm bảo chất lượng công trình và tăng các tiện ích, dịch vụ phục vụ người thuê tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc quy định thu thuế kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân chủ nhà trọ là 7%/doanh thu đã dẫn đến tình trạng giấu doanh thu, khai thấp doanh thu để né thuế, nên đề nghị Nhà nước xem xét có cơ chế hỗ trợ chủ nhà trọ chỉ phải chịu mức thuế khoán 5%/doanh thu cho thuê, đồng thời khuyến khích chủ nhà trọ chuyển đổi thành doanh nghiệp.
 

Ngọc Bích

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI