Cần cơ chế giám sát và chế tài

01/11/2023 - 06:06

PNO - Đề xuất cho phép cán bộ ở một số bộ phận có thể đăng ký làm việc tại nhà là hợp lý, giúp giảm dần kiểu làm việc hành chính.

UBND TPHCM đã nêu ý định giao Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chủ trì soạn dự thảo đề án mà trong đó sẽ thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức ở một số bộ phận có thể đăng ký làm việc tại nhà luân phiên với tỉ lệ  phù hợp.

Đã có nhiều ý kiến tán thành và cho rằng đề xuất này là hợp lý, giúp giảm dần kiểu làm việc hành chính “sáng đi, chiều về” trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thúc đẩy. Trong thực tế, việc đăng ký hay xin phép làm việc tại nhà ở một số doanh nghiệp là khá phổ biến và có hiệu quả, còn ở khối công quyền là khá hiếm do chưa có tiền lệ cũng như quy định.

Cán bộ, công chức UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Tú Ngân
Cán bộ, công chức UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Tú Ngân

Còn nhớ, trong đợt dịch COVID-19 hồi năm 2020-2021, một số cơ quan nhà nước đã linh động cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà. Thời điểm đó, một số cơ quan như Bảo hiểm xã hội TPHCM đã có chủ trương cho cán bộ, viên chức ở một số vị trí, chức danh nhất định làm việc tại nhà và làm việc qua phần mềm điện tử. Trong khoảng thời gian đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng đã giải quyết hồ sơ, thủ tục qua phần mềm điện tử và gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

Đối với một số chức danh, vị trí nhất định, việc cho phép làm việc tại nhà sẽ làm giảm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực so với khi có sự tiếp xúc trực tiếp để giải quyết hồ sơ; giảm bớt một phần áp lực cho cán bộ khi làm việc trực tiếp tại cơ quan; giảm mật độ lưu thông trên đường, qua đó giảm áp lực giao thông do quá tải phương tiện cá nhân như hiện nay, giảm ô nhiễm không khí; trụ sở của các cơ quan nhà nước sẽ bớt cồng kềnh, giảm kinh phí xây dựng, chi phí mua sắm trang thiết bị cũng như giảm áp lực và quá tải về chỗ ngồi như hiện nay.

Có thể nói, việc có ý tưởng và thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức đăng ký làm việc tại nhà như đề án là cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay khi nhiều loại thủ tục, hồ sơ đã được giải quyết nhờ các phần mềm điện tử và giao dịch qua đường bưu điện. Thế nhưng, trước mắt, việc này cần cân nhắc và chuẩn bị kỹ, đúng với tinh thần thí điểm, chẳng hạn chỉ áp dụng với các chức danh phó trưởng phòng chuyên môn, chuyên viên, cán sự và nhân viên nhập liệu...

Cũng cần nói thêm rằng, để việc thí điểm đạt kết quả và để cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở nhà hiệu quả, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần phải ban hành những quy chế, quy định cụ thể, kèm theo các biện pháp chế tài khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc.

Việc giám sát cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ công tại nhà cần phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và có hiệu quả từ người đứng đầu hoặc người được ủy quyền. Có thể giám sát và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức báo cáo kết quả hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể hằng ngày qua điện thoại, qua mạng xã hội, ứng dụng (app) như Facebook, Zalo và các phương tiện khác.

Nguyễn Đước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI