Cần cơ chế để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ trẻ em

21/12/2016 - 16:19

PNO - Ngày 21/12, tại TP.HCM, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (Hội BV QTE VN) đã tổ chức hội thảo xây dựng khuyến nghị của các tổ chức xã hội thực hiện điều 92 Luật trẻ em 2016.

Ngày 21/12, tại TP.HCM, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (Hội BV QTE VN) đã tổ chức hội thảo xây dựng khuyến nghị của các tổ chức xã hội thực hiện điều 92 Luật trẻ em 2016.

Gần 30 đại biểu là đại điện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em VN khu vực phía Nam cùng các tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em tại TP.HCM đã tham dự, trao đổi về việc khuyến nghị xây dựng cơ chế thực hiện điều 92 Luật trẻ em sẽ có hiệu lực thi hành ngày 1/6/2017.

Can co che de cac to chuc xa hoi tham gia bao ve tre em
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Phó chủ tịch Hội BV QTE VN phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo điều 92, về trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em (Chương VI, Luật trẻ em 2016), gồm:

1.Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.

2.Thực hiện chính sách, pháp luật, đáp ứng quyền của trẻ em theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức được pháp luật quy định; tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật.

3.Tổ chức việc cung cấp dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.

4.Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm quyền trẻ em.

Theo TS Nguyễn Thị Lan- Ủy viên thường vụ Hội BV QTE VN, điều luật này lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống Luật pháp về trẻ em của Việt Nam, các tổ chức xã hội, Hội BV QTE Việt Nam được xác lập là những chủ thể đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em Việt Nam, được luật pháp Việt Nam thừa nhận. Việc xây dựng cơ chế thực hiện điều luật là một vấn đề bức bách.

Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng rất cần một cơ chế rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội, Hội BVQTEVN phát triển tổ chức, hoạt động, và phát huy vai trò của mình đặc biệt là trong việc tham gia các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em; có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng luật pháp chính sách về trẻ em; tham gia giám sát việc thực hiện Quyền trẻ em, đồng thời phản ảnh ý kiến đến cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ lợi ích tốt nhất cho trẻ em…

Bà Tô Thị Kim Hoa- Phó chủ tịch Hội BV QTE TP.HCM cho rằng: “Để những quy định pháp luật thành hiện thực cần nhất cơ chế phối hợp của các tổ chức xã hội. Sự kết nối của các tổ chức BV QTE là điều vô cùng cần thiết. Cần có quy định chính thống về vai trò giám sát của Hội BV QTE, Hội cần được tham gia những đoàn giám sát thực thi các chính sách TE, bên cạnh việc “tự giám sát” thông qua các kênh thông tin như hiện tại”.

Can co che de cac to chuc xa hoi tham gia bao ve tre em
Bà Tô Thị kim Hoa- Phó chủ tịch Hội BV QTE TP.HCM đề xuất quy định về cơ chế giám sát của Hội BV QTE.

Đồng tình về việc cần có hướng dẫn thực hiện điều 92 của Luật trẻ em, ông Trần Công Bình, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc nói: “Hướng dẫn cần định nghĩa rõ về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ trẻ em, từ đó, xác định tổ chức nào được là thành viên mạng lưới BVTE ở cộng đồng; đưa ra quy chế phối hợp để công việc được nhịp nhàng, thuận lợi, hướng đến lợi ích của trẻ em”.

Bà Lương Thị Thuận - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Lao động TBXH các tỉnh thành cần có những cuộc họp định kỳ với các tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em. Tại TP.HCM hiện có hơn 300 tổ chức BV TE đang hoạt động, cùng một mục tiêu nhưng việc báo cáo, số liệu về chăm sóc, BV TE vì thế cũng không có sự nhất quán nói gì đến việc theo dõi hiệu quả hoạt động…”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa- Phó chủ tịch Hội BV QTE VN, nguyên Chủ tịch Hội LHPN VN, người chủ trì hội thảo cho biết: “Trong thời gian qua, Hội BV QTE VN đã nghiên cứu rất nhiều về việc triển khai thực thi điều 92 của Luật trẻ em. Mới đây, chúng tôi đã có cuộc họp cùng Hội BV QTE và các tổ chức xã hội tại Đà Nẵng để ghi nhận những kiến nghị về việc thực hiện điều 92 của Luật. Cũng như tại hội thảo hôm nay, các đại biểu ở Đà Nẵng đã đề xuất Hội BV QTE và các tổ chức xã hội phải cùng thống nhất các khuyến nghị gửi đến cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng Nghị định hướng dẫn thực thi điều luật này”.

Can co che de cac to chuc xa hoi tham gia bao ve tre em
Các đại biểu của Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Hội thảo đã thông nhất xây dựng văn bản khuyến nghị gồm 10 vấn đề lớn liên quan đến việc tạo cơ chế cho các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình theo Luật. Như việc tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, …; về tổ chức kết nối mạng lưới hoạt động vì trẻ em; về thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách về quyền trẻ em; tham gia vào quá trình tố tụng, có đại diện làm Hội thẩm nhân dân trong các vụ xét xử liên quan đến trẻ em vi phạm pháp luật và các vụ xâm hại quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm quyền trẻ em…

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI