Cần cơ chế đặc thù nhà ở cho công chức, viên chức như mô hình Singapore

12/04/2025 - 13:31

PNO - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về chăm lo, phát triển nhà ở cho công chức, viên chức nhà nước.

Một dự án nhà ở xã hội ở TP Thủ Đức, TPHCM.
Một dự án nhà ở xã hội ở TP Thủ Đức, TPHCM.

Theo HoREA, luật Nhà ở 2023 đã quy định các nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhưng chủ yếu tập trung vào người lao động khu vực tư nhân, công nhân, lực lượng vũ trang…, trong khi chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công chức, viên chức.

Do đó, rất cần thiết bổ sung thêm “chính sách phát triển nhà ở cho công chức, viên chức nhà nước” để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn, rất cấp bách của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước tương tự như kinh nghiệm của Chính phủ Singapore. Singapore đã thực hiện chính sách trả lương cao và bảo đảm nhà ở cho công chức, viên chức nhà nước để trở thành một trong 3 nước ít tham nhũng nhất trên thế giới.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, do chưa có chính sách đặc thù này nên đã có nhiều công chức viên chức nhà nước (có cả cán bộ cấp Vụ) gần đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn chưa mua được nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ để an cư lúc tuổi già, chứ chưa nói gì đến an cư để lạc nghiệp trong lúc còn đang làm việc, nhất là đối với đa số công chức, viên chức nhà nước có bậc lương thấp như lương khởi điểm công chức loại C - nhóm C3 bậc 1 chỉ có 3,159 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, hiện nay, nhà ở công vụ còn rất thiếu, nhất là sau khi thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, bỏ trung gian cấp huyện, sáp nhập cấp xã thì cấp tỉnh (mới) có địa bàn rất rộng nên có thể có trường hợp công chức, viên chức nhà nước tuy đã “có nhà ở quê”, nhưng tại nơi làm việc thì chưa có nhà ở nên nhu cầu “nhà ở công vụ” sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Hiện nay, để mua được nhà ở xã hội thì công chức, viên chức nhà nước cũng phải xếp hàng bốc thăm suất mua nhà ở xã hội như mọi người là rất cám cảnh do chính sách nhà ở cho công chức, viên chức nhà nước chưa thật thấu tình đạt lý. Vì vậy, bên cạnh chính sách chung về nhà ở xã hội cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị thì rất cần thiết bổ sung thêm chính sách đặc thù phát triển nhà ở cho công chức, viên chức nhà nước để có hành lang pháp lý và thứ tự ưu tiên phù hợp với điều kiện, quá trình công tác, cống hiến của công chức, viên chức nhà nước.

Được biết, tại Singapore, Chính phủ Singapore đã thành lập Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) – cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý nhà ở xã hội. HDB đảm bảo cung cấp các căn hộ chất lượng cao với mức giá phải chăng cho người dân.

Từ cuối thập niên 1960, khi Singapore vẫn còn là một nền kinh tế đang phát triển, nhiều người dân phải sống trong những khu ổ chuột chật chội. HDB đã khởi xướng việc quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới, hiện đại, tích hợp đầy đủ tiện ích thiết yếu như trường học, cửa hàng, khu ẩm thực ngoài trời và sân chơi.

Chính phủ cũng đưa ra các chính sách chiến lược về quy hoạch quỹ đất và nhân lực nhằm triển khai các dự án xây dựng quy mô lớn một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất. Nhờ vậy, hiện nay khoảng 80% dân số Singapore đang sinh sống trong các căn hộ thuộc hệ thống nhà ở xã hội, trong đó khoảng 90% các căn hộ này được sở hữu dưới hình thức thuê dài hạn 99 năm.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI