Cần cơ chế đặc biệt để xây dựng trung tâm xạ trị ung thư proton

30/05/2024 - 06:08

PNO - Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nhấn mạnh, với hiệu quả ưu việt, xạ trị proton, là xu hướng tất yếu phải hướng tới. Việt Nam cần có một cơ chế đặc biệt để triển khai, sớm đưa vào thực tiễn trước bối cảnh tỉ lệ mắc và tử vong của bệnh ung thư đang gia tăng.

Phóng viên: 2 lần liên tiếp tại kỳ họp thứ sáu và kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XV), ông đề xuất việc xây dựng ngay trung tâm xạ trị ung thư proton tại Việt Nam. Xin ông cho biết tính cần thiết cũng như hiệu quả và những lợi ích mà phương pháp này mang lại?

Ông Nguyễn Tri Thức: Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng.

Tại Việt Nam, ước tính có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 151 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 99 người tử vong do ung thư.

Tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở nước ta có xu hướng tăng từng năm. Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 99/185 quốc gia, vùng lãnh thổ về tỉ suất mắc mới và thứ 56/185 về tỉ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2020 là 91/185 và 50/185.

Tỉ lệ mắc ung thư cũng tăng lên ở nhiều nước, trong đó có các nước phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong do ung thư tại các nước này lại giảm.

Ông Nguyễn Tri Thức
Ông Nguyễn Tri Thức

Điều đó cho thấy, đầu tư vào các trung tâm ung thư chất lượng cao với các hệ thống máy xạ trị tiên tiến, đặc biệt là xạ trị proton, là một định hướng quan trọng để cải thiện chất lượng điều trị ung thư.

Hiểu một cách đơn giản, khi xạ trị proton, các tia xạ đi thẳng vào khối u mà không ảnh hưởng mô xung quanh. Do đó, với những loại ung thư nằm ở vị trí khó, dùng phương pháp xạ trị thông thường sẽ tổn thương các vùng lân cận, gây nguy hiểm tới tính mạng như ung thư phổi, u hệ thần kinh sọ não, các khối u ở mắt.

Phương pháp điều trị “trúng đích” này đặc biệt ưu việt đối với một số loại khối u và trong việc điều trị ung thư ở trẻ em.

Kết quả đã chứng minh, trong điều trị ung thư vùng đầu cổ, hiệu ứng Bragg peak của xạ trị proton giảm thiểu tác dụng phụ lên các mô lành xung quanh, như viêm da, loét niêm mạc, khô miệng, giảm thị lực, hoại tử xương hàm, tổn thương thùy não thái dương...

Việc giảm độc tính khi điều trị ung thư ở trẻ em giúp trẻ có thể sống lâu sau điều trị, phát triển thể chất.

Xạ trị proton cũng có hiệu quả rất cao với ung thư gan - loại ung thư có tỉ lệ mắc lớn ở Việt Nam.

* Trên thế giới, xạ trị proton đã được ứng dụng ra sao và hiệu quả thực tế như thế nào, thưa ông?

- Cho đến nay, xạ trị proton đã được áp dụng trong lâm sàng trên 60 năm, và điều trị cho hàng trăm ngàn người bệnh ung thư trên thế giới. Thống kê tới năm 2018, tổng số người bệnh được điều trị bằng xạ trị proton là 190.036 người tại 91 trung tâm của 17 nước: Áo, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Ba Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nam Phi, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Tại Đài Loan hiện có vài trung tâm xạ trị proton. Đây là xu hướng tất yếu trong điều trị mà Việt Nam phải hướng đến. Đời sống, kinh tế của Việt Nam đang ngày một cải thiện, không có lý do gì chúng ta ngần ngại không đầu tư để xây dựng trung tâm xạ trị proton, nâng cao sức khỏe của người dân.

Bệnh nhân chờ hóa xạ trị tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - ẢNH: PHẠM AN
Bệnh nhân chờ hóa xạ trị tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Phạm An

* Được biết, để xây dựng một trung tâm xạ trị proton tốn rất nhiều chi phí, thời gian. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi khi triển khai tại Việt Nam?

- Hiện Bộ Y tế đang có đề án xây dựng trung tâm xạ trị proton, dự kiến đặt tại Bệnh viện K và Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng chi phí đầu tư ban đầu cho 1 trung tâm là 2.100 tỉ đồng. Theo kinh nghiệm các nước, để xây một trung tâm xạ trị proton phải mất sớm nhất 5 năm.

Thậm chí, Ấn Độ mất 9 năm. Lý do, đây là một loại kỹ thuật rất cao. Khi chúng ta xây dựng trung tâm phải có lô đất riêng, xây dựng hầm ngăn các tia xạ, đặt máy, đào tạo nhân lực...

Với cơ chế mua sắm hiện nay, nếu không áp dụng cơ chế đặc biệt thì khó có thể làm được. Tôi cho rằng, Quốc hội cần cho một cơ chế đặc biệt với đề án này, mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu giống như xây dựng một số đường cao tốc.

Chỉ có chỉ định thầu mới giải quyết được vấn đề nhanh. Khi chỉ định thầu, chúng ta mới xác định được máy của nước nào, hãng nào để xây dựng trung tâm phù hợp và đưa bác sĩ đi đào tạo.

* Như ông nói, xạ trị proton là một kỹ thuật rất cao, phải đào tạo đội ngũ cán bộ y tế. Đây có phải vấn đề đáng lo ngại?

- Tôi hoàn toàn tin vào tay nghề, đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam. Họ “có dư” khả năng để học tập và đưa ứng dụng này vào thực tiễn. Tôi đã đi tìm hiểu kỹ thuật này ở Đức và Đài Loan. Các bác sĩ ở đây đánh giá rất cao các bác sĩ Việt Nam và cho biết, chỉ khoảng 6 tháng đào tạo, các bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện được kỹ thuật này.

Vì vậy, theo tôi chúng ta không thể sợ mà không thực hiện. Chúng ta phải đi và đi với một cơ chế đặc biệt để nhanh chóng đưa vào được cuộc sống.

Dự kiến chi phí điều trị của phương pháp xạ trị proton

Theo tính toán, giá thu dự kiến của xạ trị proton ở Việt Nam là 30.000 USD/đợt điều trị. So với chi phí điều trị trên thế giới thì con số này thấp hơn nhiều. Giá một đợt điều trị tại Mỹ là 50.000-150.000 USD, tại Canada là 40.000-90.000, Nhật Bản là 50.000-100.000 USD; Trung Quốc, Ấn Độ là 60.000 USD...

Khi phát triển y tế kỹ thuật cao, chúng ta phải chấp nhận giai đoạn đầu khó khăn. Điển hình như trước đây, khi có kỹ thuật đặt stent mạch vành, không nhiều người dân tiếp cận được. Sau đó, bảo hiểm y tế đã thanh toán cho dịch vụ này. Tới nay, gần như người dân nào cũng có thể tiếp cận.

Nếu tích cực triển khai, 2 trung tâm xạ trị proton sẽ đưa vào vận hành năm 2030. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam vào khoảng 7.500 USD, do đó, tầng lớp trung lưu có thể chi trả cho phương pháp điều trị này.

Phương pháp này giúp giảm tổng chi phí điều trị ung thư cho người bệnh do hiệu quả điều trị rất cao. Người bệnh phục hồi nhanh hơn, quay trở lại với công việc, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Xạ trị proton cũng được kỳ vọng thúc đẩy du lịch y tế phát triển, có thể thu hút bệnh nhân từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar...

Ông Nguyễn Tri Thức

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI