Diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”

Cần cơ chế chặt chẽ để thành phố trở lại vừa khỏe vừa xanh

29/09/2021 - 08:38

PNO - Việc thay đổi thói quen ứng xử với môi trường là hết sức quan trọng, trong đại dịch COVID-19 lại càng quan trọng. Trong dịch, “vệ sinh môi trường” không đơn thuần là “vệ sinh môi trường” mà còn để “ngăn chặn vi-rút”. Do vậy, ý thức của mỗi người phải cao hơn, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những tiêu chí rõ ràng về vệ sinh môi trường trong “bình thường mới”.

Cần bộ tiêu chí về môi trường khi “sống chung với dịch”

TPHCM đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp với môi trường sống có COVID-19. Theo tôi, khi “sống chung với dịch”, vấn đề môi trường cần được quan tâm hàng đầu.

Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát và kéo dài đã gây nhiều thách thức cho vấn đề môi trường ở TPHCM, đặc biệt là vấn đề rác thải y tế. Một báo cáo hồi tháng 7/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi ngày thành phố phải xử lý 70 tấn rác thải phát sinh do dịch COVID-19.

Khi số ca nhiễm tăng lên thì lượng rác thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 cũng tăng, áp lực xử lý rác thải rất lớn, các lò đốt phải hoạt động gần như hết công suất. Để giải quyết vấn đề, theo tôi, cần đưa lò đốt mini vào xử lý rác thải. Lò đốt mini có thể sử dụng ở các khu phố, tổ dân phố, bệnh viện dã chiến. Đây là lò đốt hai cấp, loại chuyên sử dụng cho rác thải y tế, chứ không phải là lò đốt thông thường, xử lý rác theo kiểu thủ công.

Để sống chung với dịch và để giảm áp lực cho y tế tuyến trên, chúng ta phải thực hiện việc cách ly, điều trị F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà. Cần có một quy trình quản lý chặt chẽ đối với rác thải y tế của những người F0, F1. Nơi ở của người nhiễm hoặc nghi nhiễm phải bố trí một thùng rác riêng, đúng quy chuẩn của ngành y tế và môi trường, chứ không phải một sọt rác đơn thuần mà ta hay dùng trong gia đình. Mỗi ngày, phải thực hiện thu gom và xử lý ít nhất hai lần, không được để tồn đọng. Lưu ý, khẩu trang, khăn giấy, nước bọt, nước tiểu của người bệnh cũng cần được xử lý bằng công nghệ.

Đã có nghiên cứu cho thấy trong nước tiểu của người nhiễm COVID-19 cũng có thể có vi-rút SARS-CoV-2. Do đó, các bệnh viện dã chiến cần quan tâm hơn đến việc xử lý triệt để, tuyệt đối không để nước thải của người nhiễm COVID-19 chưa qua xử lý lẫn ra sông, kênh, rạch… Điều này có thể gây ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn lây cho dịch bệnh. Chúng ta cũng có thói quen xấu: cứ rác thải là vứt vô thùng, bất kể là rác gì, cả xóm bỏ chung một thùng rác. Điều này là rất nguy hiểm, vừa gây khó khăn trong việc xử lý, vừa là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Để sống an toàn trong môi trường có dịch, vấn đề môi trường cần được quan tâm hơn nữa. Rác thải, nước thải, khí thải cần được thu gom một cách chặt chẽ, theo quy trình riêng; mùa mưa và mùa khô phải có biện pháp thu gom rác thải khác nhau. Muốn thế, cần quan tâm đào tạo cho những nhân viên thu gom rác để họ nắm bắt quy trình thu gom chất thải y tế, chất thải nguy hại và được trang bị đồ bảo hộ.

Một điều TPHCM rất cần làm khi sống chung với dịch là củng cố lại hệ thống thu gom rác dân lập. Khi đã xác định sống trong môi trường có dịch thì không thể để rác hai, ba ngày mới thu gom, để rác vương vãi như lâu nay, vì rất có thể đây sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong môi trường sống chung có dịch cần phải theo quy trình chặt chẽ. Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Sở Y tế ban hành một quy trình về xử lý rác thải ở “vùng đỏ”, “vùng vàng”. Cần áp dụng dây rác theo “dây kín”, quy trình khép kín.

Tôi lưu ý, có một loại chất thải cơ quan chức năng cần quan tâm xử lý triệt để đó là khẩu trang. Hiện giờ, và cả khi sống chung với dịch, chúng ta phải sử dụng khẩu trang thường xuyên. Khẩu trang sau khi sử dụng sẽ là một lượng chất thải rất lớn. Trong khẩu trang bốn lớp, có một lớp để ngăn bụi mịn, ngăn khuẩn, chất tạo ra lớp này rất khó xử lý, nếu cứ vứt bừa bãi thì sẽ nguy hiểm, thành thảm họa.

 

Việc đổ rác tràn lan là nguy cơ lây lan mầm bệnh
Việc đổ rác tràn lan là nguy cơ lây lan mầm bệnh

Hiện tại và sắp tới, sẽ có nhiều công ty, xí nghiệp hoạt động theo phương thức “ba tại chỗ”. Chúng ta đưa người đến ở, sinh hoạt tại nơi sản xuất thì cần đặt vấn đề vệ sinh môi trường như thế nào để đảm bảo. Cần kiểm tra việc xử lý nước thải, rác thải ở nơi này. Cùng với việc đảm bảo về phòng, chống dịch, doanh nghiệp cần đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường mới được tái hoạt động trong dịch.

Tóm lại, việc thay đổi thói quen ứng xử với môi trường trong đại dịch COVID-19 là rất quan trọng. Nó không chỉ là vệ sinh môi trường đơn thuần mà là vệ sinh môi trường để ngăn chặn vi-rút. Do vậy, ý thức của mỗi người cần phải cao hơn, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý. Muốn vậy, TPHCM cần có một bộ tiêu chí về vệ sinh môi trường trong “bình thường mới”, trong đó có các tiêu chí về rác thải, khí thải, nước thải… Môi trường sống lành mạnh, đảm bảo là yếu tố quan trọng để vi-rút sớm bị tiêu diệt. 

 GS.TSKH Lê Huy Bá  

Ông Nguyễn Văn Nhiều - Đội phó Đội vệ sinh, chi nhánh Môi trường đô thị gia Định - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCMCông nhân vệ sinh chỉ mong người dân để rác đúng nơi quy định!

Mơ ước này là của tất cả công nhân vệ sinh. Chúng tôi chưa yêu cầu cao là phân loại rác tại nguồn, mà chỉ cần mọi người, mọi gia đình để rác đúng nơi quy định. Hằng đêm, công nhân chúng tôi ra đường lúc 21 giờ, đến rạng sáng hôm sau mới kết thúc công việc. Ăn sáng, nghỉ ngơi, đến khoảng 10 giờ họ lại đi lấy rác dân lập...

Công việc đã gắn bó, chúng tôi không phàn nàn gì chuyện thu gom rác, quét dọn đường phố, thế nhưng đôi lúc tình trạng xả rác bừa bãi làm chúng tôi không thở nổi! Ngay trong những ngày dịch bệnh này, việc phòng chống dịch khẩn trương ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng có ý thức giữ gìn. Đôi lúc, nhìn thùng rác sinh hoạt đầy đồ bảo hộ, khẩu trang y tế… chúng tôi cảm thấy xót xa. Giá như mỗi người biết góp một bàn tay.

Anh Trần Tú Minh - kỹ sư, làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung:Tăng cường xử phạt “nguội” về môi trường!

Theo tôi, dù hết giãn cách xã hội, nhưng việc áp dụng các biện pháp mạnh như xử phạt “nguội” về những vi phạm môi trường, an toàn giao thông thông qua trích xuất camera an ninh kết hợp công tác tuần tra của các lực lượng chức năng là vô cùng cần thiết để bảo vệ mỹ quan, trật tự đô thị thành phố.

Theo quy định pháp luật hiện hành, chúng ta không chỉ xử lý vi phạm hành chính với các hành vi hủy hoại môi trường, vi phạm an toàn giao thông mà còn có thể truy cứu trách nhiệm tùy tính chất, mức độ hành vi.

Mùa dịch bệnh vừa qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý địa bàn, đảm bảo việc người dân “ở yên trong nhà” và xử phạt được hầu hết những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Cho nên tôi tin, với giải pháp đồng bộ, quyết tâm, việc phạt nguội các vi phạm môi trường, an toàn giao thông… sẽ thành hiện thực. Khi bị xử phạt thật sự (chứ không chỉ trên bản tin, trên các thông cáo nhắc nhở), mọi người sẽ tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Cô Nguyễn Thị Mi Lan, giáo viên tại Q.3: Xả rác là tội ác, nên cần phải xử lý nghiêm!

Theo tôi, xả rác bừa bãi là tội ác với nhân loại, vì nó góp phần hủy hoại môi trường sống. 
Đọc báo, xem đài, xem những video tường thuật việc công nhân lấy rác ở các khu cách ly, phong tỏa, về người quét rác đường phố, chúng tôi cảm thấy thương các anh chị em. Công việc vất vả, sát ngay tuyến đầu chống dịch, nhưng họ không được cảm thông, chẳng được tôn vinh, ca ngợi. Quả thật rất xót xa. 

Các nghiên cứu cho thấy, rác thải là mầm mống lây lan nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hại đến sức khỏe con người. Sau ngày thành phố giãn cách, khả năng chúng ta sẽ phải chung sống với dịch. Cho nên, chúng ta phải quản và xử lý tốt nguồn rác thải sinh hoạt từ các gia đình F0; xử lý triệt để và mạnh tay với hành vi vứt đổ rác bừa bãi xuống sông rạch, đường phố hay những nơi công cộng. Bây giờ không phải lúc cảnh báo, khuyến cáo nữa. 

Sơn Vinh - Tinh Châu (ghi)

 

Nguồn: MTĐT TPHCM

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI