Cần có "bộ quy tắc ứng xử" với hàng rong

21/06/2016 - 16:28

PNO - Dẹp hàng rong là đụng tới nồi cơm của dân nghèo, nên không thể tùy tiện, ngẫu hứng được. Theo tôi, để giải quyết “câu chuyện hàng rong” này, chính quyền cần phải làm rõ quan điểm “dẹp bỏ” hay “sống chung”...

Chuyện của chị Tăng Thị Hà bán trái cây trong khuôn viên chùa An Lạc bị tịch thu xe trái cây với giá trị tài sản khoảng 15 triệu đồng (báo Phụ Nữ ngày 17/6 có bài “Việc tịch thu xe bán trái cây tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM: Chính quyền làm khó dân?”) đã để lại nhiều dấu hỏi mà chính quyền P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức cần giải thích rõ cho người dân. Ngoài những thắc mắc báo đã nêu, tôi còn băn khoăn không biết phía sau câu chuyện còn điều gì khác khuất tất chăng?

Can co
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Dù không ai chính thức nói ra, nhưng dư luận vẫn râm ran chuyện “chung chi” nếu muốn kinh doanh “phi chính thức” (buôn bán tự do, không đăng ký kinh doanh). Thế nên mới có chuyện cùng bán hàng rong mà có người bị “hốt”, người thì không, mà người không bị “hốt” có khi lại là người đáng bị “hốt” trước tiên, do chiếm dụng lòng lề đường đến mức khó thông cảm được. Rồi, có hay không “bệnh thành tích” (không chiếm dụng lòng lề đường vẫn bị dẹp để có những con số đẹp trong báo cáo)?

Ngoài việc giúp một số người nghèo có sinh kế, buôn bán hàng rong nhìn chung mang lại nhiều điều không hay như: gây mất trật tự - an toàn giao thông; mất mỹ quan đô thị; không kiểm soát được chất lượng dịch vụ (hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc)... Điều đáng nói nhất là tình trạng buôn bán hàng rong đã và đang tạo ra một bất công rất lớn: người buôn bán rong không nộp một đồng thuế kinh doanh nào, lại mặc nhiên biến tài sản công, tiện ích công (lòng đường, lề đường) thành của riêng để kinh doanh kiếm lợi.

Trong khi đó, những người buôn bán cố định lại phải tốn chi phí để thuê mặt bằng, thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, tuân thủ các quy định… Để lập lại công bằng trong kinh doanh, trong thụ hưởng các tiện ích công, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm thì việc hạn chế và tiến tới dẹp bỏ hàng rong là đúng, nên làm, nhất là ở các đô thị đang hướng tới “văn minh, hiện đại”.

Riêng tại TP.HCM, vấn đề “dẹp hàng rong” đã được đặt ra và tiến hành từ những năm 1990 của thế kỷ trước, nhưng kết quả đến nay gần như chỉ là con số không (thể hiện qua tình trạng hàng rong tràn lan khắp nơi), bởi việc dẹp hàng rong cũng tự phát, tùy tiện không kém việc bán hàng rong, kiểu mạnh “ai” nấy làm, dẹp chỗ này lại mọc chỗ khác. Bán hàng rong tạo ra cảnh nhếch nhác, phản cảm thì cảnh dẹp hàng rong cũng phản cảm không kém. Có lẽ, người dân TP.HCM không lạ gì cảnh người ta vác bàn ghế, đẩy xe tháo chạy khi có lực lượng dẹp hàng rong “ghé thăm”.

Dẹp hàng rong là đụng tới nồi cơm của dân nghèo, nên không thể tùy tiện, ngẫu hứng được. Theo tôi, để giải quyết “câu chuyện hàng rong” này, chính quyền cần phải làm rõ quan điểm “dẹp bỏ” hay “sống chung” với hàng rong, từ đó có một bộ “quy tắc ứng xử” với hàng rong, trong đó quy định khu vực nào triệt để dẹp bỏ, khu vực nào cho phép bán, điều kiện để được bán là gì… Để tránh gây phản cảm, bức xúc trong dân khi tiến hành dẹp hàng rong, cần có thông báo để người bán rong có thời gian và sự chuẩn bị tìm sinh kế mới (tôi tin không người bán rong nào dám mạo hiểm để mất tài sản một khi đã được cảnh báo, nhắc nhở).

Tôi còn nhớ dịp 30/4 vừa rồi, khi ghé uống nước ở một quán cà phê nhỏ trên đường Trần Quốc Thảo, chủ quán báo hết chỗ và nhất quyết không bày thêm bàn ghế ra vỉa hè vì “công an nhắc nhở rồi”. Lại nhớ, từ khi TP.HCM ban lệnh cấm xe tải vào nội thành trong giờ cao điểm, giới tài xế xe tải đã tuân thủ răm rắp, bởi lệnh này được cảnh sát giao thông thực thi triệt để, xử phạt nghiêm minh. Kể hai chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh, dẹp hàng rong không phải là việc không thể. Vấn đề là phải làm bài bản và phải được những người có trách nhiệm thực thi một cách công tâm, công bằng, có lộ trình minh bạch. 

Ngọc Định  (Q.3, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI