Cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, linh hoạt hơn

03/07/2024 - 06:36

PNO - Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi ngắn với phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - Phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội - về tình trạng “sáng tạo nội dung” bát nháo trên mạng xã hội.


Phóng viên: Theo ông, vì sao các video có nội dung “bẩn”, câu view vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội dù đã bị dư luận phản ứng?

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Đây là hệ lụy tất yếu của sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội cộng với sự tò mò và thị hiếu thấp kém của một bộ phận người dùng mạng xã hội. Và đây cũng là hiện tượng đáng lo ngại. Vì lợi ích (lượt xem, lượt theo dõi, thu nhập, sự chú ý từ đám đông…) mà các youtuber, facebooker, tiktoker bất chấp những quy định của pháp luật, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức.

Thay vì góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, tích cực và văn minh hơn, các “nhà sáng tạo nội dung” bẩn này chỉ chăm chăm đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của đám đông, khai thác những yếu tố lạ, bí mật đời tư, dựng chuyện…

Hiến pháp và các bộ luật Dân sự, Hình sự đều bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Nhiều người dân - đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa - có thể chưa nắm bắt được kiến thức pháp luật, không biết cách tự bảo vệ mình. Thậm chí, người quay và đăng tải video có thể cũng không ý thức được việc làm này là vi phạm pháp luật, gây tổn hại danh dự, nhân phẩm người khác và gây bất ổn trong cộng đồng xã hội, làm lung lay niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, tích cực. Cũng có những nhân vật (người bị quay) không lường được những hậu quả xấu khi thông tin, hình ảnh của mình và gia đình bị tung lên mạng xã hội…

* Thưa ông, cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

- Người dân cần lên án những hành vi trục lợi bất chấp luật pháp, đạo đức. Họ cần hiểu luật để tự bảo vệ mình, không để người khác tự ý sử dụng, chia sẻ, phát tán hình ảnh của mình. Khi phát hiện nội dung xấu, độc, phản cảm, các sự vụ bất thường, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, không nên phớt lờ hay thậm chí tham gia bình luận, chia sẻ.

Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm vấn đề ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Các cơ quan này cần xây dựng những biện pháp quản lý chặt chẽ, linh hoạt để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những nội dung vi phạm và thông tin cụ thể, nhanh chóng việc xử lý này cho dư luận. Bên cạnh phạt hành chính những hành vi vi phạm, cần có các biện pháp cấm hoạt động, rút giấy phép các chủ trang, chủ kênh, mới đủ sức răn đe.

Với những hành vi xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, cơ quan chức năng cần xử lý đến nơi đến chốn, kiên quyết. Cần phối hợp với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia để có cơ chế quản lý về mặt kỹ thuật tốt hơn bởi việc quay, chụp rồi đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội diễn ra rất nhanh chóng.

* Xin cảm ơn ông.

Trung Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI