Cần chung tay để nữ công nhân vệ sinh môi trường có cuộc sống tốt hơn

13/12/2021 - 08:42

PNO - Hướng đến Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2026, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - đã có cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM xoay quanh nỗi nhọc nhằn của lực lượng nữ công nhân vệ sinh.

Phóng viên: Là cán bộ nữ ở vị trí lãnh đạo lâu năm, bà kỳ vọng gì vào ngày hội của chị em phụ nữ TPHCM sắp tới?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ: Tôi mong muốn đại hội sẽ thông qua những chương trình hành động liên quan đến các cơ chế, chính sách giúp chị em phụ nữ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, được đào tạo nghề, có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, cũng cần tạo thêm nhiều sân chơi phù hợp cho các tầng lớp phụ nữ, nhất là công nhân, đặc biệt là công nhân trong ngành vệ sinh môi trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM

* Bà đặc biệt quan tâm đến nữ công nhân ngành vệ sinh môi trường. Xin bà cho biết những suy nghĩ về họ?
- Hiện, toàn TPHCM có khoảng 10.000 công nhân vệ sinh môi trường, trong đó có khoảng 30% là lao động nữ làm công việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Các chị em đã đóng góp công sức để giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho cả thành phố chúng ta.

Trong quá trình lao động, nữ công nhân vệ sinh môi trường gặp nhiều thử thách. Họ phải làm việc theo ca, đặc biệt là ca đêm, nên ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và khó khăn trong việc chăm sóc gia đình, nhất là việc theo dõi, kèm cặp con cái học hành. Công tác quét dọn, thu gom rác đường phố cũng dễ xảy ra tai nạn giao thông hơn các lĩnh vực khác, nhất là khi làm việc vào ban đêm, trên các tuyến đường vắng, thiếu ánh sáng.

Nữ công nhân trẻ trong độ tuổi lập gia đình cũng sẽ khó tìm bạn đời. Đa số các nữ công nhân lấy chồng là bạn làm chung ngành. Một số chọn sống độc thân. Ngoài ra, chị em cũng thường xuyên phải tiếp xúc môi trường độc hại, tiếp xúc các nguồn tác nhân có khả năng lây nhiễm. Chẳng hạn, suốt trong thời gian TPHCM phải giãn cách xã hội, cách ly để phòng, chống và chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19, các nữ công nhân vệ sinh vẫn âm thầm quét dọn, thu gom rác, làm sạch môi trường.

* Theo bà, cần làm gì để giảm bớt những khó khăn, thử thách cho chị em nữ công nhân vệ sinh môi trường?
- Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nữ công nhân an tâm làm việc, gắn bó với nghề nghiệp, cần phải kết hợp nhiều giải pháp. Theo tôi, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã thu gom rác cần luôn quan tâm, tạo điều kiện cho chị em trong công việc, nhất là việc phải đảm bảo đầy đủ các chế độ phúc lợi xã hội, an toàn lao động để họ an tâm làm việc. Đơn vị nào có sự quan tâm, hỗ trợ từ ban lãnh đạo thì chắc chắn ở đó nữ công nhân sẽ được chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn. Các đơn vị cũng phải phát huy hoạt động của công đoàn cơ quan như là cầu nối giữa nữ công nhân và ban lãnh đạo. Công đoàn cần thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân và có báo cáo, đề xuất kịp thời để lãnh đạo đơn vị xem xét giải quyết.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt như chi phí hoạt động ban đầu của hợp tác xã, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom rác dân lập. Các chính sách này khi được UBND TPHCM thông qua sẽ góp phần giúp lực lượng lao động trong lĩnh vực môi trường và nữ công nhân được chăm sóc, hỗ trợ tốt hơn. 

Tôi cũng cho rằng các sở ngành có liên quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã thành phố... cần có sự chung tay, quan tâm tạo điều kiện cho nữ công nhân an tâm trong công việc cũng như hỗ trợ cho việc đào tạo, chuyển đổi nghề với những nữ công nhân ngoài 40 tuổi hoặc các lao động nữ có mong muốn chuyển đổi nghề, phù hợp với sức khỏe để tiếp tục đóng góp sức lao động cho những công việc có ích cho xã hội.
* Xin cảm ơn bà. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

 

Chăm lo nữ công nhân - người lao động là công việc thường xuyên ở Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TPHCM

Trong hai năm 2020-2021, công ty chúng tôi đối diện rất nhiều khó khăn do không chỉ thu gom rác, vệ sinh kênh rạch, đường phố mà chúng tôi còn tiếp nhận xử lý rác thải ở các bệnh viên, khu cách ly, chịu trách nhiệm ở trung tâm hỏa táng… với cường độ cao, khẩn trương, liên tục.

Lãnh đạo và các đoàn thể Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP.HCM tặng quà cho cán bộ, công nhân nữ 
Lãnh đạo và các đoàn thể Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TPHCM tặng quà cho cán bộ, công nhân nữ 

Trong khi đó, vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến nguy hiểm, khó lường. Vì vậy, thật lòng chúng tôi rất biết ơn sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ của công nhân, lao động toàn công ty. Cho nên, việc chăm lo cho anh em công nhân, người lao động tại công ty được lãnh đạo rất quan tâm. Dù đối diện nhiều khó khăn về kinh tế khi phải tăng cường chi thêm các trang thiết bị bảo hộ, phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, nước sát khuẩn, quần áo bảo hộ… Thế nhưng thời gian qua, chế độ lễ, tết, khen thưởng động viên cho đến thăm viếng công nhân ốm đau, bệnh tật… của công ty chưa bao giờ thiếu sót.

Các đoàn thể rất chu đáo trong công tác chăm lo. Riêng với lực lượng lao động nữ công nhân vệ sinh, người lao động trực tiếp, chúng tôi càng dành nhiều ưu tiên. Mới đây, nhằm chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch COVID-19 được sự tài trợ của Công ty TNHH Botanical Cosmetics, công ty đã đến thăm hỏi, động viên, trao tặng gần 400 phần quà gồm những sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc cơ thể... cho toàn thể cán bộ, nhân viên nữ của đơn vị. 

Có lẽ nhờ sự quan tâm, chia sẻ kịp thời như tiếp thêm sức mạnh giúp cán bộ, nhân viên nữ công ty nói riêng và cán bộ, người lao động công ty nói chung luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gắn bó với đơn vị, góp phần cùng TP.Hồ Chí Minh ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM

 

 

 

Cần lắm sự quan tâm đối với chị em thu gom rác dân lập

Đội thu gom rác dân lập của tôi hiện có năm thành viên, đa số là các anh chị em người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền Tây lên, phần nhiều không có trình độ, chuyên môn. Nghề này vốn đã cực, với phụ nữ thì còn cực hơn. Ngán nhất là khi người dân hất rác lên xe, vô tình làm nước rác bắn vào người. Có khi chị em chúng tôi phải “chịu trận” cho đến khi xong việc, trở về nhà. Làm lâu năm, nhiều chị em chúng tôi bị viêm mũi, viêm khớp, đau lưng kinh niên. Chưa kể chất thải thấm sâu vào da, cơ thể thỉnh thoảng bốc mùi hôi khó chịu.

Về lâu đài, chắc chắn chị em ai cũng sẽ mắc các bệnh về đường hô hấp, đau khớp, đau lưng… Nhiều chị em muốn đi trị bệnh nhưng không có tiền. Do đó, tôi rất mong Hội Phụ nữ các cấp cũng như chính quyền địa phương quan tâm, có những chế độ, chính sách đối với chị em công nhân thu gom rác chúng tôi, như: trao tặng quà, thưởng tết, tặng vé xe về quê ăn tết; hỗ trợ tiền nhà trọ; tặng phiếu khám sức khỏe định kỳ, thẻ bảo hiểm y tế. Khi chúng tôi lớn tuổi, có thể hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề hoặc đào tạo và giới thiệu việc làm khác. Trên thực tế, đa phần chị em chúng tôi “làm được đồng nào xài hết đồng nấy”, nên nếu có thể thì đây sẽ là động lực động viên chúng tôi bám trụ với nghề.  

Chị Trần Thị Huỳnh Lộc (39 tuổi, công nhân thu gom rác dân lập)

 

Mong Hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường để công nhân vệ sinh bớt vất vả

 Công việc mỗi ngày của 30 anh chị em công nhân đội vệ sinh Tân Phú chúng tôi bắt đầu từ 7g - 10g và từ 17g - 0g sáng hôm sau.  

Việc “cầm chổi” tuy vất vả và có cả nguy hiểm nhưng tôi vẫn trân trọng, thấy mình may mắn. 

Trong những tháng thành phố thực hiện giãn cách, tôi đã nhận được sự quan tâm từ công ty, chăm lo, tiếp sức từ các đơn vị, nhà hảo tâm. Khi thành phố trở lại “bình thường mới”, với số lượng F0 cách ly tại nhà gia tăng, chúng tôi đối diện với nhiều nguy cơ không an toàn. Chúng tôi được phân công làm việc theo nhóm đặc thù, người quét đường, người thu gom rác sinh hoạt, người phụ trách thu gom rác từ các gia đình F0...

Trước thềm đại hội, tôi đặt niềm tin và hy vọng Hội LHPN tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp cùng các ngành, các địa phương nhắc nhở, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định để công nhân vệ sinh chúng tôi đỡ phần vất vả. Bản thân tôi cũng như nhiều chị em nữ khác cũng mong Hội tiếp tục quan tâm đến chế độ, đời sống tinh thần cho nhóm công nhân vệ sinh chúng tôi.

Chị Lê Thị Nga - Đội vệ sinh Q.Tân Phú

T.Châu - T.Ân - P.Phan

 

Nguồn: MTĐT TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI