Cần chuẩn hóa trong kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông

01/08/2022 - 05:36

PNO - Năm 2022, có gần 30 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt mức trên 99%. Nếu chỉ tính riêng hệ giáo dục phổ thông, con số này lên đến gần 40 địa phương. Dư luận lại dấy lên việc phải bỏ thi tốt nghiệp THPT khi mà tuyệt đại học sinh dự thi đều dễ dàng vượt qua kỳ thi quy mô quốc gia với xấp xỉ 1 triệu thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo Luật Giáo dục 2019, mục đích là để xét tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho những học sinh dự thi đạt yêu cầu. Nếu chỉ nhìn nhận ở góc độ này thì quả thật không cần tổ chức một kỳ thi tốn kém chỉ để đánh rớt vài ngàn học sinh. Như vậy, cần phải xem xét kỳ thi tốt nghiệp ở những mục tiêu khác, đó là dùng đánh giá việc dạy và học ở bậc phổ thông, đồng thời dùng làm cơ sở xét tuyển vào đại học (ĐH).

Về đánh giá chất lượng dạy và học bậc phổ thông, mọi người đều phải thừa nhận rằng kết quả của kỳ thi có độ chính xác và độ tin cậy cao hơn nhiều so với kết quả được đánh giá trong trường phổ thông. Đối sánh giữa điểm trung bình (ĐTB) các môn thi tốt nghiệp với ĐTB các môn học tương ứng ở lớp 12 qua thống kê hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều cho thấy ĐTB theo môn học ở lớp 12 bao giờ cũng cao hơn ĐTB môn thi tương ứng.

Năm 2022, tất cả ĐTB các môn học lớp 12 đều trên 7,0; trong khi ĐTB các môn thi đều dưới 7,0; duy nhất chỉ có môn giáo dục công dân là trên 8,0 (từ nhiều năm nay). ĐTB các môn học lớp 12 chẳng những chênh lệch với ĐTB các môn thi tương ứng, mà còn chênh lệch giữa các địa phương với nhau. Do vậy, dù công thức tính điểm tốt nghiệp có thay đổi thế nào thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn cao, và học sinh có học bạ “đẹp” để xét tuyển vào ĐH.

Từ đó lại có quan điểm đề nghị các trường ĐH ngừng xét tuyển theo phương thức học bạ THPT vì điểm số không phản ánh được năng lực học tập của học sinh. Với nhu cầu xét tuyển hiện cao gần gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, nếu không xét tuyển bằng học bạ, không có điểm thi tốt nghiệp chuẩn chung thì các trường ĐH chỉ có cách tự tổ chức các kỳ thi riêng. Như vậy là việc tuyển sinh quay trở lại như hơn 20 năm trước đây. Điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần Nghị quyết 29 (Trung ương 8 khóa XI) “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH”.

Thi và tuyển sinh vẫn là điểm lúng túng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vấn đề này sẽ luôn tồn tại khi việc chuẩn hóa công tác kiểm tra đánh giá ở bậc THPT chưa được thực hiện, và cơ sở để xét tuyển của các trường ĐH vẫn là điểm số (dù theo bất kỳ phương thức nào). Chương trình giáo dục phổ thông mới đã áp dụng, đến năm 2025 lứa học sinh lớp 10 năm nay sẽ xét tuyển ĐH. Hy vọng đến thời điểm đó, hệ thống giáo dục phổ thông đạt được chuẩn hóa trong kiểm tra đánh giá và các trường ĐH sẽ có các phương thức xét tuyển chống bệnh chạy theo thành tích điểm số.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

Trương Mẫn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI