Nhiều trường đại học mở ngành vi mạch
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện tử - vi mạch bán dẫn, đến năm 2030, Việt Nam cần đến 50.000 kỹ sư để có thể tham gia chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Số lượng các doanh nghiệp lớn trên thế giới mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu thiết kế vi mạch tại Việt Nam - đặc biệt là TPHCM - cũng ngày càng tăng. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… cũng rất cần nguồn nhân lực này.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết: mặc dù Việt Nam đã có nhiều chủ trương và kế hoạch phát triển lĩnh vực công nghệ vi mạch nhưng nguồn nhân lực cung cấp vẫn còn khá thấp so với nhu cầu đặt ra. Do đó, việc đào tạo nguồn lao động có trình độ, kiến thức nền tảng và kỹ năng chuyên sâu về thiết kế vi mạch là rất cấp thiết.
|
Sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM tìm hiểu về thiết kế vi mạch - Ảnh: T.T. |
Trước thực tế này, năm 2024, Trường ĐH Công nghệ Thông tin quyết định mở ngành thiết kế vi mạch. Trường chủ động tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Đưa ra nhiều chính sách, phúc lợi để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng học, phòng thí nghiệm được đầu tư đồng bộ để mang đến môi trường dạy và học tốt nhất.
Năm nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM cũng dự kiến mở ngành thiết kế vi mạch. Tiến sĩ Lê Đức Hùng - Trưởng bộ môn điện tử, Khoa Điện tử - Viễn thông của trường - thông tin: để phục vụ công tác đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu chuyên sâu, trường đã triển khai dự án phòng thí nghiệm trị giá 45 tỉ đồng với sự đầu tư của ĐH Quốc gia TPHCM. “Trường sẽ kết hợp với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình đào tạo tăng cường, thực tập thực tế, trao đổi sinh viên với các trường ĐH Nhật Bản mạnh về thiết kế vi mạch” - ông nói.
Nhiều trường trong cả nước cũng bắt đầu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch, vi điện tử - thiết kế vi mạch trong năm nay như: ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Phenikaa; Trường ĐH FPT; Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn...
Cần năng lực thiết kế kỹ thuật, đam mê lập trình
Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh 2024 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM diễn ra giữa tháng 1/2024, nhiều học sinh đã tìm đến các khu vực tư vấn về ngành thiết kế vi mạch để tìm hiểu. Em Phạm Trần Anh Khôi - học sinh lớp Mười hai Trường THPT Phan Bội Châu (TP Phan Thiết) - bày tỏ: “Em đã thấy được tiềm năng của ngành trong tương lai nên muốn đặt nguyện vọng vào đây. Nhưng em lại khá lo lắng vì đây là ngành học mới nên không biết điểm thi đầu vào sẽ như thế nào cũng như em cần có những kỹ năng gì để có thể học tập tốt nhất ngành học này?”.
Trước những thắc mắc trên, đại diện Khoa Điện - Điện tử của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết: ngành thiết kế vi mạch về cơ bản là một ngành kỹ thuật nên năng lực quan trọng nhất mà người học cần có là thiết kế kỹ thuật và khả năng sáng tạo. Bên cạnh đó, ngành còn có đặc thù riêng là cần sự hỗ trợ gần như tuyệt đối của các phần mềm trên máy tính nên thí sinh phải có sự đam mê nhất định đối với lĩnh vực lập trình. Để đảm bảo chất lượng đào tạo trong năm đầu tuyển sinh, chỉ tiêu của ngành sẽ có giới hạn nên điểm chuẩn đầu vào có thể sẽ tăng. Tuy nhiên, sinh viên cũng có thể theo đuổi lĩnh vực thiết kế vi mạch này trong các ngành học liên quan như công nghệ kỹ thuật điện tử, điện tử viễn thông hay công nghệ kỹ thuật máy tính.
Ông Lê Đức Hùng cũng cho biết, thiết kế vi mạch là ngành thú vị khi bao phủ từ linh kiện, mạch điện, lập trình cho đến hệ thống trên chip, các ứng dụng cũng đa dạng như y sinh, bộ vi xử lý, xử lý ảnh/video, mật mã hóa, viễn thông, trí tuệ nhân tạo… Tuy nhiên, thí sinh phải có niềm đam mê và kiên trì thì mới có thể đi xa và phát triển. Ngành này dựa trên các cơ sở về toán học, vật lý, điện tử và cả lập trình nên thí sinh phải lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Đồng thời, thí sinh cũng cần trang bị tốt khả năng sử dụng tiếng Anh vì chương trình học sẽ thường xuyên tiếp xúc với tài liệu, kiến thức tiên tiến bằng tiếng Anh.
“Học sinh nên lập ra kế hoạch học tập cụ thể và khoa học, tập trung ôn tập có trọng tâm các tổ hợp A00 (toán, vật lý và hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh) và D01 (toán, ngữ văn và tiếng Anh). Đồng thời nâng cao khả năng tự học, giữ tinh thần thoải mái và tự tin, rèn luyện sức khỏe để có thể học tập hiệu quả nhất - bà Nguyễn Lưu Thùy Ngân nhắn nhủ.
Mức lương dao động từ 15-50 triệu đồng/tháng Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lưu Thùy Ngân thông tin: Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư thiết kế vi mạch có thể lựa chọn các vị trí việc làm tại doanh nghiệp như: kiểm tra/kiểm thử thiết kế (design verification), thiết kế vật lý (physical design) hoặc các vị trí liên quan đến thiết kế logic/số. Mức lương của lĩnh vực này cũng khá cao, dao động từ 15-50 triệu đồng/tháng tùy theo số năm kinh nghiệm của người lao động. Tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam được tổ chức cuối năm 2023, phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết, trong giai đoạn 2023-2030, đơn vị đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Theo đó, các trường ĐH thành viên triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đồng thời, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư. |
Cần có sự phối hợp của Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng Đại diện Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết: từ năm 2012, khoa đã thực hiện đổi mới toàn diện chương trình đào tạo của bộ môn kỹ thuật máy tính viễn thông, trong đó xác định thiết kế vi mạch là một trong những hướng đào tạo chủ lực. Nhưng dù có sự chuẩn bị từ sớm thì nguồn nhân lực hiện có của bộ môn vẫn rất hạn chế khi chỉ có 4 giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên. “Việc tuyển dụng đang là một thách thức rất lớn khi hầu hết người tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài sẽ chọn làm việc trong các công ty đa quốc gia, tự khởi nghiệp, hoặc về nước thì cũng ứng tuyển vào các công ty lớn. Bởi mức lương các trường chi trả không thể cạnh tranh nên chưa thể thu hút được. Trong khi việc đào tạo sau ĐH ở trong nước của chuyên ngành này lại khá hạn chế” - vị này giải thích thêm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng đặt ra nhiều trở ngại cho trường. Các phần mềm và thiết bị đo kiểm chuyên dụng rất đắt tiền, phải liên tục cải tiến nên việc đầu tư là vô cùng tốn kém và không hiệu quả về mặt kinh tế. Để có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần phải có sự phối hợp của Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ trong việc đào tạo và cơ sở vật chất. Nhà trường cần có những ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài. Nhà tuyển dụng hay doanh nghiệp hỗ trợ về công nghệ và tài nguyên phục vụ công tác đào tạo. |
Trang Thư