Thị trường khởi sắc
Theo ghi nhận trên trang Sotheby’s vào cuối năm 2022, châu Á hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường nghệ thuật. Trong giai đoạn 2020-2021, châu Á đã vượt Bắc Mỹ và châu Âu, trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới (theo doanh số bán đấu giá), chiếm khoảng 36% doanh thu từ nghệ thuật toàn cầu. Riêng tại Đông Nam Á, Singapore là điểm hội tụ nhiều triển lãm, trưng bày, đấu giá quy mô, quy tụ nhiều nghệ sĩ và nhà đầu tư trong khu vực.
|
Triển lãm lần hai của Sotheby’s tại TPHCM thu hút đông đảo người tham dự |
Theo bảng xếp hạng 30 nghệ sĩ có doanh số cao nhất tại Hồng Kông (Trung Quốc) trong năm 2021 do Artprice công bố, Việt Nam có 2 đại diện. Đó là Mai Trung Thứ xếp thứ 20, đem về 14,2 triệu USD (34 tranh đã bán) và Lê Phổ xếp thứ 25 với 11,8 triệu USD (54 tranh). Điều này cho thấy, tranh Việt và thị trường nghệ thuật tại Việt Nam đang rất sôi động.
Thực tế, từ năm 2020 trở lại đây, tranh Việt liên tiếp tạo nhiều dấu ấn trên sàn đấu giá quốc tế, nhiều kỷ lục bị phá vỡ. Đáng nói hơn, các nhà sưu tập sở hữu tranh đều là người Việt. Do đó, sự hiện diện của Sotheby’s tại Việt Nam - dù chỉ mới là các hoạt động phi thương mại - đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường, dẫu đang ở giai đoạn sơ khai.
Một dấu hiệu khác cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của thị trường nghệ thuật Việt Nam là sự ra đời của các gallery (phòng tranh) mới. Ước tính, chỉ trong giai đoạn cuối 2021 đến nửa đầu 2023, đã có khoảng 10 phòng tranh mới được thành lập như Ngõ Art Gallery, Vy Gallery, Indochine House… nâng số phòng tranh tại TPHCM lên khoảng 30. Trong số này, nhiều phòng tranh chỉ dành riêng cho giới sưu tập. Các phòng tranh có tuổi đời lâu năm cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động nghệ thuật, giới thiệu các triển lãm, gương mặt nghệ sĩ mới hoặc kết hợp với các khách sạn, thương hiệu để tổ chức triển lãm. Số lượng triển lãm tăng, chất lượng tranh đa dạng, nhiều gương mặt nghệ sĩ đương đại được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Nhiều tranh được bán với giá từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD.
Sự xuất hiện của các triển lãm chuyên đề, như tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên hay triển lãm của Sotheby’s và việc lần đầu Việt Nam có bảo tàng tư nhân dành cho hội họa cũng phần nào hé lộ chân dung những nhà sưu tập “quyền lực” tại Việt Nam, cho phép công chúng trong nước tiếp cận nghệ thuật nhiều hơn.
Cần làm gì để thúc đẩy thị trường phát triển?
Câu chuyện bên lề của ông Ace Lê - Giám đốc Sotheby’s Việt Nam - về những khó khăn trong việc vận chuyển bức tranh khổ lớn Vịnh Hạ Long (họa sĩ Jean-Louis Paguenaud) từ Hà Nội vào TPHCM cho triển lãm Mộng Viễn Đông phần nào cho thấy Việt Nam gần như thiếu nhân lực chuyên môn ở các khâu, từ phục chế, vận chuyển cho đến treo tranh hay quản lý, giám sát, giám tuyển nghệ thuật… Thị trường nghệ thuật Việt Nam dù đã khởi sắc nhưng thực sự vẫn chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi, cần thêm thời gian để phát triển nhân lực.
|
Tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên triển lãm tranh "Họa duyên tương ngộ" diễn ra vào tháng 7 |
Một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu nhân lực bắt nguồn từ việc công chúng ít được tiếp xúc với nghệ thuật. Vì ít tiếp xúc nên không thể hình dung và hiểu được tầm quan trọng của các công đoạn cần có đối với một bức tranh, rộng ra là một triển lãm. Chính vì thế, theo chia sẻ của một doanh nhân, để thị trường nghệ thuật Việt Nam phát triển, cần có nhiều hơn nữa những người yêu thích nghệ thuật, phát triển các phòng tranh, có chính sách hỗ trợ nghệ thuật. Đây không chỉ là sự chung vai của một vài cá nhân mà còn cần cả sự chung tay của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và Nhà nước để nghệ thuật đi vào đời sống.
Ở khía cạnh vĩ mô, việc nhà đấu giá Sotheby’s mở những phiên đấu giá tranh tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Theo thông tin người viết có được, không chỉ Sotheby’s mà cả Christine cũng đang có dự định gia nhập thị trường Việt Nam. Việc sớm hay muộn, theo chia sẻ của các nhà sưu tập và nhà nghiên cứu, còn phụ thuộc vào cơ chế và hành lang pháp lý của Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư, nhà sưu tập xem tranh và các tác phẩm nghệ thuật như một dạng tích sản, tương tự bất động sản hay một khoản đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế về thuế hay việc công nhận tranh là một tài sản tại Việt Nam vẫn chưa có.
“Chúng ta cần có luật cụ thể để dẫn dòng tài chính trong quốc gia và cả bên ngoài chảy vào thị trường mỹ thuật. Điều này liên quan tới chính sách thuế, liên quan đến việc ngân hàng và quỹ đầu tư chuẩn hóa các tác phẩm nghệ thuật như là tài sản, có thể thế chấp hay lưu giữ như một tài sản thanh khoản tốt” - một nhà sưu tập tại Hà Nội cho biết.
Thư Hiên