Phát triển mạnh mẽ
Những năm gần đây, thị trường phim trên các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều dự án nổi bật về đề tài, chất lượng quay, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như web drama Bố già, Kẻ săn tin, Đặc vụ thời gian, 21 ngày yêu em, Thập tam muội… được khán giả yêu thích.
Không chỉ các phim chiếu trên YouTube, xu hướng thưởng thức phim trên OTT (nền tảng giải trí trực tuyến) nội địa cũng phát triển mạnh mẽ với các ứng dụng giải trí nổi bật như Galaxy Play, VieON, FPT Play, K+…
|
Cảnh trong phim Hùng Long Phong Bá của Galaxy Play |
Sau thời gian nghiên cứu thị trường, năm 2022 là thời điểm các đơn vị chạy đua để thu hút khán giả sử dụng dịch vụ. Hiện tại, Galaxy Play đang là đơn vị ấp ủ nhiều dự án “khủng” nhất với hơn 20 bộ phim sẽ ra mắt trong năm nay. Đây là con số tăng vượt bậc, vì trong giai đoạn 2020 - 2021, đơn vị này chỉ hoàn thiện được khoảng một nửa số dự án sẽ ra mắt trong năm.
Trong số hơn 20 phim đã và sẽ ra mắt, Galaxy Play thực hiện nhiều thể loại khác nhau từ phim tài liệu, phim hài - tình cảm, phim sinh tồn, hành động, phim tâm lý - điều tra… Galaxy Play đang mong muốn thực hiện các sản phẩm tiệm cận chất lượng điện ảnh, vượt trội về nội dung. Không riêng Galaxy Play, VieON, K+, FPT cũng đang đẩy mạnh đầu tư về chất lượng nội dung để thu hút khán giả trong nước. Đơn cử như K+, sau series Mẹ ác ma, cha thiên sứ, đơn vị đang kết hợp với đạo diễn Victor Vũ thực hiện bộ phim kinh dị mang tên Trại hoa đỏ, bối cảnh quay tại Đà Lạt. Điều này cho thấy OTT nội địa đang tích cực thay đổi để bắt kịp OTT quốc tế, tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng.
Nhìn số lượng sản phẩm ra mắt thời gian qua và dự kiến chào sân sắp tới, dễ thấy thị trường phim chiếu trên các nền tảng đang vô cùng sôi động. Nhưng trong số những sản phẩm ra mắt ồ ạt, có nhiều phim khai thác thế giới xã hội đen, phim bạo lực, phim có hình ảnh quảng cáo bia rượu vô tội vạ… Galaxy Play, VieON cho biết để phim ra mắt khán giả, các đơn vị phát hành đều gửi phim cho một bên độc lập kiểm duyệt, nhưng cụ thể tên đơn vị làm công tác này không được tiết lộ.
Hậu kiểm là tất yếu nhưng phải nghiêm
Liên tục tại nhiều hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khác nhau, các nhà làm phim, chuyên gia đã nhắc đến nội dung hậu kiểm phim chiếu trên các nền tảng và cho rằng đây là xu thế chung của thế giới. Sau khi được bàn luận tích cực, đến nay, gần như việc hậu kiểm phim chiếu trên các nền tảng có khả năng rất cao, thậm chí chắc chắn được thông qua trong dự thảo luật, sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).
Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết: “Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên các nền tảng phải tự phân loại và chịu trách nhiệm. Nội dung này đã được các đại biểu thảo luận rất kỹ vì nhận thức được tầm quan trọng. Hiện nay, về năng lực và điều kiện của Nhà nước không thể tổ chức tiền kiểm vì trong một giây, một phút có quá nhiều phim muốn ra mắt. Sau khi cân nhắc xu thế của các quốc gia, chúng tôi thấy chỉ có một, hai nước tiền kiểm phim chiếu trên các nền tảng trực tuyến, còn lại là hậu kiểm. Gần như chúng ta không có lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, khi chọn phương án hậu kiểm, làm sao trong công tác quản lý phải hạn chế thấp nhất các nội dung bạo lực, đi ngược thuần phong mỹ tục”.
|
Dư luận từng bức xúc trước những bộ phim giang hồ do chính giang hồ thứ thiệt làm nhà sản xuất kiêm diễn viên được chiếu nhan nhản trên YouTube |
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho rằng đi cùng với việc hậu kiểm phải là những chế tài đủ mạnh để kiểm soát kho nội dung lớn trên môi trường OTT. Vấn đề thanh kiểm tra không chỉ nhờ vào con người, mà phải tận dụng máy móc, phần mềm để phát hiện, kịp thời xử lý.
Ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng cần đề ra các chế tài, quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phát hành phim và đơn vị cung cấp các dịch vụ để phổ biến phim. Chế tài phải đủ sức nặng để các nhà làm phim e dè, cân nhắc, nghiêm túc khi thực hiện sản phẩm”.
Cách đây không lâu, phim giang hồ với nhiều cảnh bạo lực, lối xây dựng nhân vật, câu chuyện lệch lạc so với quy chuẩn đạo đức như Chạm mặt giang hồ 1, 2; Luật lệ giang hồ; Tỷ phú đè đại gia, Gangster - Gã giang hồ… chiếu “dày” trên YouTube. Khi một số nhân vật giang hồ ngoài đời thực và cũng là người trực tiếp tham gia trong phim bị bắt, các phim này “biệt tích” một thời gian, sau đó xuất hiện trở lại gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, ngoài thao tác “quét” tự động và gỡ các nội dung xấu, bẩn từ YouTube, cơ quan chức năng chưa mạnh tay trong việc xử lý các trường hợp cố tình tạo sự tò mò, thu hút bằng bạo lực, cảnh nóng.
Để tránh những vướng mắc và thuận tiện hơn cho công tác giám sát, ông Phan Viết Lượng cho rằng các quy định cấm trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải rõ ràng, chi tiết hơn để các nhà sáng tạo biết họ nên hay không nên làm gì, chịu trách nhiệm ra sao.
Những chi tiết nhỏ trong quy định cấm khó thể hiện cụ thể trong luật, thì có thể diễn giải thêm trong các nghị định đi kèm. Quy định càng rõ ràng sẽ càng thuận tiện cho các nhà quản lý trong việc kiểm soát cũng như xử lý từng trường hợp cụ thể.
Mình Tú