Cần chặn đứng tình trạng hành hung nhân viên y tế

01/08/2022 - 05:23

PNO - Hành vi quát tháo, bóp cổ, đẩy bác sĩ vào tường của cha bé gái mười tuổi tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) tối 27/7 khiến giới y, bác sĩ và cộng đồng phẫn nộ, bức xúc.

Nỗi ám ảnh của nhân viên y tế

“Nhìn vết sưng hằn dấu năm ngón tay trên cổ bác sĩ P.H.T., chúng tôi rất đau buồn. Rất nhiều lần, tôi và bác sĩ T. cũng như các đồng nghiệp khác tại Khoa Cấp cứu bị mắng chửi, đòi đánh, đòi giết chỉ vì thân nhân người bệnh nóng ruột” - một bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chua chát.

Bác sĩ P.H.T. cho hay, hôm xảy ra vụ việc, anh đã nhiều lần giải thích với cha của bệnh nhi là các chỉ số sức khỏe của bé ổn định, Khoa Cấp cứu đã liên hệ để bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng gắp dị vật trong cổ của bé; do đông bệnh nhân nên thời gian chờ xử lý khoảng 30 phút đến 60 phút: “Nhưng cha của bé la hét, không đồng ý, đòi phải làm ngay giấy chuyển viện, còn rút điện thoại ra quay clip và yêu cầu phải giải thích lại, sau đó bóp cổ, ép mạnh tôi vào tường. Khi đồng nghiệp đến giải vây, anh ta còn chỉ mặt hăm dọa”.

Khoa cấp cứu của các bệnh viện thường xảy ra “xung đột” giữa người nhà bệnh nhân và y, bác sĩ  (trong ảnh: Khu cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) - Ảnh: Gia Huy
Khoa cấp cứu của các bệnh viện thường xảy ra “xung đột” giữa người nhà bệnh nhân và y, bác sĩ (trong ảnh: Khu cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) - Ảnh: Gia Huy

Theo bác sĩ P.H.T., đây không phải là lần đầu anh đối mặt với hành vi bạo lực của thân nhân người bệnh. Các đồng nghiệp của anh cũng vậy. Một nữ bác sĩ cùng khoa nói: “Chúng tôi biết người nhà bệnh nhân rất nóng lòng, nhưng ở khoa cấp cứu, chúng tôi phải ưu tiên xử lý cho bệnh nhân có tình trạng nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Những năm gần đây, sự hợp tác của thân nhân người bệnh đã có nhiều tiến triển, nhưng vẫn còn một số người tỏ ra hung hăng”.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, ban giám đốc bệnh viện đã động viên bác sĩ và ê-kíp trực, đồng thời báo cáo nhanh vụ việc cho Sở Y tế TP.HCM. Ông nhắn nhủ: “Cần có sự phối hợp giữa bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân người bệnh để đạt được mục tiêu cuối cùng là chiến thắng bệnh tật. Người nhà bệnh nhân không nên nóng nảy, làm ảnh hưởng đến hiệu quả khám, chữa bệnh”.

Từng bị người nhà bệnh nhân đánh, gây chảy máu cánh tay, điều dưỡng N.T.L. (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho hay, tuy bị hành hung đã lâu nhưng chị vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh về vụ việc này. Chị kể: “Lúc đó, tôi còn làm ở bệnh viện quận. Khoảng 22g, một thanh niên 23 tuổi được đưa đến trong tình trạng bị nhiều thương tích, trong đó, vết thương ở động mạch cổ rất lớn. Nhận định bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào, tôi đẩy nhanh băng ca vào trong để bác sĩ cấp cứu, sau đó ra ngoài tìm người nhà làm hồ sơ nhập viện. Người nhà chỉ cung cấp tên, tuổi bệnh nhân rồi xô đẩy, yêu cầu tôi đi vào trong cấp cứu cho bệnh nhân. Tôi vừa nói bên trong đã có bác sĩ, còn tôi phải làm hồ sơ thì bị người này rút dao bấm đâm vào tay phải”.

Theo chị, ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy có bảo vệ hỗ trợ nhưng điều dưỡng, bác sĩ vẫn thường xuyên bị người nhà bệnh nhân la mắng. Mỗi lần như vậy, ai cũng im lặng, cố gắng tránh va chạm để kịp cứu chữa người bệnh. “Nhưng lúc tan ca, chạy xe về nhà, tôi cảm thấy ấm ức bởi mình không làm gì sai cả” - điều dưỡng N.T.L. tâm sự.

Bác sĩ N.V.A.K. làm việc ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM được hai năm thì xin nghỉ bởi không chịu nổi áp lực từ phía người nhà bệnh nhân: “Họ cứ chất vấn tại sao người này vô trước mà lại cấp cứu người kia trước, tại sao không có ai thăm khám cho người nhà của họ, tại sao không cho họ vào khoa cấp cứu, tại sao không tiêm thuốc, không cho uống thuốc ngay mà chỉ truyền dịch. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng bị chửi bới thậm tệ, thậm chí bị tát, bị đấm vào mặt”.

Cần giải quyết vấn đề từ gốc 

Bác sĩ Vũ Dzuy - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho hay, mỗi kíp trực có hơn 30 nhân viên chăm sóc, cứu chữa cho khoảng 300 - 400 bệnh nhân. Do lực lượng y tế quá mỏng so với số lượng bệnh nhân nên hầu như mỗi ngày y, bác sĩ đều bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân la lối, chửi mắng, thậm chí hành hung. Từng có một số bác sĩ không chịu nổi áp lực, đã xin chuyển khoa khác hoặc nghỉ việc.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy thường rất đông bệnh nhân khiến nhân viên y tế luôn quá tải - ẢNH: PHẠM AN
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy thường rất đông bệnh nhân khiến nhân viên y tế luôn quá tải - Ảnh: Phạm An

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy - khi đang cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ hoàn toàn thụ động nếu bị tấn công, do đó rất dễ bị thương. Ông đề nghị xử lý người hành hung y, bác sĩ theo mức tương tự hành vi chống người thi hành công vụ, mới đủ sức răn đe.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, TP.Hà Nội) cho hay, những vụ bạo hành thường xuyên xảy ra ở các trung tâm cấp cứu. Nguyên tắc cấp cứu là phân loại người bệnh theo mức độ tổn thương và ưu tiên cấp cứu trường hợp nặng trước chứ không ưu tiên theo thời gian nhập viện. Trong khi đó, bệnh nhân và người nhà của họ không muốn chờ đợi. Việc hành hung nhân viên y tế không chỉ gây ảnh hưởng tới người bị hành hung mà còn gây nguy hiểm cho người bệnh khác đang cần được ưu tiên cứu chữa. “Pháp luật vẫn chưa có chế tài đủ nghiêm khắc để răn đe những trường hợp thế này” - bác sĩ Ngô Đức Hùng trăn trở.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - thời gian qua, ngành y tế đã xây dựng nhiều kênh lắng nghe ý kiến, đóng góp của người dân, người bệnh cũng như nhân viên y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ trong các cơ sở y tế, đặc biệt là đơn vị công lập. Ông kêu gọi người dân tin tưởng vào nhân viên y tế để họ an tâm công tác, chăm lo tốt cho sức khỏe và sự an toàn tính mạng của bệnh nhân.

Các bệnh viện đã phải tìm biện pháp để ứng phó với nạn bạo hành nhân viên y tế. Bệnh viện Nhân dân Gia Định ứng dụng quy trình phản ứng nhanh code grey. Theo đó, khi phát hiện tình trạng gây rối, nhân viên y tế sẽ báo cáo khẩn đến lãnh đạo trực bệnh viện và kích hoạt hệ thống code grey. Ngay sau đó, các bảo vệ của bệnh viện tập trung về nơi xảy ra sự việc để ngăn chặn vụ gây rối. 

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng ứng dụng hệ thống mang tên “báo động đỏ” để kịp thời can thiệp khi có vụ gây rối. Theo bà Đỗ Hồng Thanh - Phó phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - nhân viên y tế gặp sự cố ở khu vực nào thì bấm chuông báo động đỏ ở khu vực đó để bảo vệ bệnh viện đến hỗ trợ. Ngoài hệ thống báo động đỏ, ban giám đốc bệnh viện cũng thường xuyên rà soát các yếu tố nguy cơ và các lỗi thường gặp trong giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế để có biện pháp khắc phục.

Sau mỗi vụ bạo hành, Bộ Y tế đều nhanh chóng yêu cầu cơ sở y tế phối hợp với cơ quan công an để xử lý nghiêm vi phạm nhằm răn đe, ngăn ngừa hành vi bạo hành nhân viên y tế. Tuy nhiên, sự can thiệp này chỉ mới giải quyết phần ngọn. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - cho biết, từng làm công tác bảo vệ người lao động trong ngành y tế, ông không khỏi xót xa khi ngày càng có nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế: “Chúng ta phải có các biện pháp kịp thời và xử lý tận gốc vấn đề này”. 

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân, người thân của bệnh nhân hành hung y, bác sĩ tại bệnh viện. Trong vụ hành hung, dọa giết bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cần xử lý thật nghiêm minh kẻ có hành động mang tính côn đồ, hung hãn.

Theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, người hành hung bác sĩ có thể bị xử phạt hành chính về các hành vi gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cố ý gây thương tích nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự, với tổng tiền phạt có thể lên đến 16,5 triệu đồng. Nếu xác định được thương tích của nạn nhân, người hành hung bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc có thể bị xử lý về tội “đe dọa giết người”.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Đây là cơ hội để các nhà làm luật đưa ra các biện pháp, chính sách để bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế. Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga đề xuất, các bệnh viện cần cấm, không cho người nhà bệnh nhân vào khu vực khám, chữa bệnh; các trường hợp cần người nhà đi cùng thì phải được bệnh viện cấp giấy, thẻ. Ông cũng thông tin thêm, hiện nay, một số bệnh viện đã áp dụng quy định không cho người nhà vào chăm sóc bệnh nhân; việc chăm sóc bệnh nhân do lực lượng điều dưỡng của bệnh viện đảm trách.

“Để việc chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, đồng bộ, cần có sự thay đổi trong vấn đề đóng và chi trả bảo hiểm y tế. Trong bảo hiểm y tế, phải có khoản chi trả cho điều dưỡng. Hiện nay, do thiếu thốn, một điều dưỡng phải chăm sóc quá nhiều bệnh nhân nên chưa thể đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng và cần được tính toán, đưa vào bảo hiểm y tế. Nếu có chính sách này, người nhà sẽ không theo bệnh nhân vào bệnh viện, qua đó loại trừ nguy cơ gây mất trật tự cũng như phòng tránh lây nhiễm bệnh dịch ở bệnh viện” - phó giáo sư Nguyễn Huy Nga phân tích. Ông cũng đề nghị, các bệnh viện phải có nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho người lao động để họ yên tâm làm việc. 

Y, bác sĩ khoa cấp cứu bị bạo hành nhiều nhất

Theo các nghiên cứu được đăng trên trang Pubmed và Reasearch Gate, bạo hành nhân viên y tế xảy ra trên khắp thế giới. Nhân viên y tế làm việc ở khoa cấp cứu bị bạo hành nhiều nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 8 - 38% nhân viên y tế từng bị bạo lực thể chất. 

Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ ghi nhận, mỗi năm, có khoảng 654.000 nhân viên y tế bị thương do bạo hành, cao hơn so với những ngành nghề khác. Đáng lưu ý là, số vụ bạo hành nhân viên y tế tăng từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Theo hiệp hội, tỷ lệ điều dưỡng ở Hoa Kỳ từng bị bạo hành thể chất tăng lên 44%, tỷ lệ điều dưỡng bị bạo hành bằng lời nói tăng lên 68%. Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ cũng báo cáo rằng, số nhân viên y tế bị bạo hành cao gấp sáu lần so với nhân viên trong các ngành nghề khác. 

Một nghiên cứu được đăng trên trang Reasearch Gate cho biết, nguyên nhân khiến bệnh nhân và người nhà bạo hành nhân viên y tế là do nhiều bệnh viện công không đủ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ. Mỗi bác sĩ phải khám, điều trị quá nhiều bệnh nhân khiến họ và các nhân viên y tế khác không có thời gian để giao tiếp và giải thích cho bệnh nhân lẫn người nhà hiểu rõ vấn đề đang mắc phải. Từ đó, bệnh nhân và người nhà cảm thấy không hài lòng, thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế. 

Ngoài ra, thời gian chờ đợi lâu cùng với tình trạng đông đúc ở khu vực chờ đợi cũng là nguyên nhân làm gia tăng bạo hành tại cơ sở y tế. Nghiên cứu trên trang Pubmed chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo hành tại cơ sở y tế là do hệ thống chăm sóc sức khỏe còn yếu kém. 

Huy Hoàng

Phạm An - Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI