Cần chấn chỉnh việc cấp phép thi người đẹp

15/08/2024 - 06:30

PNO - Chúng ta chưa thực sự quen với việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa hậu như các sự kiện thông thường.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Thời gian qua, công chúng, xã hội chứng kiến nhiều câu chuyện lùm xùm liên quan đến các cuộc thi người đẹp. Đây là hậu quả của việc buông lỏng trong công tác quản lý, tổ chức. Nhưng đây mới chỉ là bề nổi.

Ban tổ chức Miss Peace VietNam 2022 từng bị UBND TPHCM phạt 55 triệu đồng vì tổ chức tuyển sinh nhưng không xin phép địa phương
Ban tổ chức Miss Peace VietNam 2022 từng bị UBND TPHCM phạt 55 triệu đồng vì tổ chức tuyển sinh nhưng không xin phép địa phương

Làm đẹp và tôn vinh sắc đẹp là nhu cầu có thật trong xã hội. Các công ty tổ chức sự kiện nhanh chóng nắm bắt nhu cầu này và biến việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thành cơ hội để thu lợi nhuận. Quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường giờ đây được áp dụng trong lĩnh vực này. Các công ty tìm mọi cách để hợp thức hóa các cuộc thi này. Họ có thể chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện, nhưng lại thiếu tinh tế trong việc đào tạo, chuẩn bị tâm thế cho những người đẹp tham gia cuộc thi - đặc biệt là những người đoạt vương miện - để thực hiện trách nhiệm nào đó.

Trong văn hóa Việt Nam, khi tôn vinh điển hình ở bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta cũng luôn nghĩ đến “tài đức vẹn toàn”. Chúng ta chưa thực sự quen với việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, hoa hậu như các sự kiện thông thường. Theo đó, mỗi cuộc thi có những tiêu chí riêng, phục vụ những mục đích riêng, vì thế có những lựa chọn riêng. Đó là thực tế của các cuộc chơi này.

Trước khi có Nghị định 144/2020/NĐ-CP, dù có những khắt khe nhất định trong việc giới hạn các cuộc thi hoa hậu nhưng lại xảy ra rất nhiều biến tướng. Đó cũng một phần bắt nguồn từ việc các biện pháp quản lý nhà nước chưa bắt kịp với những thay đổi, nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Do vậy, điều tất yếu là cần có những điều chỉnh về quy định pháp luật cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Nghị định 144 ra đời trong bối cảnh đó. Nhưng từ mong muốn của các nhà quản lý đến thực tế luôn có độ chênh nhất định. Việc chuyển từ thẩm quyền cấp phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang Cục Nghệ thuật biểu diễn rồi phân cấp xuống các địa phương có lẽ đã gây những bỡ ngỡ hoặc sức ép nhất định.

Các địa phương thực sự cũng mong muốn tổ chức các cuộc thi người đẹp như một cơ hội quảng bá hình ảnh, du lịch, qua đó tạo dấu ấn, lan tỏa sang phát triển kinh tế, xã hội. Cũng có tâm lý so sánh rằng địa phương kia, ngành nọ có cuộc thi người đẹp, tại sao địa phương mình, ngành mình không có.

Lãnh đạo địa phương cũng nhìn thấy những lý do hợp lý để cấp phép, không tính các tiêu cực có thể đi kèm. Trong khi đó, sự chuyển giao về phân cấp thẩm quyền có phần vội vã, chưa chuẩn bị kịp cả về tâm thế và chuyên môn đã khiến cho cán bộ quản lý văn hóa ở các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, lại chịu sức ép đáng kể, dẫn đến việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử phạt chưa đạt yêu cầu.

Việc tổ chức thi hoa hậu có thể được sử dụng như một cách để giới thiệu văn hóa, quảng bá du lịch ở một địa phương. Nhưng nếu không được tổ chức bài bản và nghiêm túc, nó có thể gây tác động ngược, làm mất đi giá trị và ý nghĩa của hoạt động này, làm ảnh hưởng, hủy hoại niềm tin của công chúng, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ…

Để định rõ trách nhiệm trong việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, cần xem xét vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan, gồm ban giám khảo, các đơn vị tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước. Xem cuộc thi hoa hậu là chương trình giải trí hay không là tùy mỗi người nhưng trong quá trình tổ chức cuộc thi, các đơn vị liên quan cần phải chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh tích cực và đáng tin cậy, minh bạch, công bằng.

Với tình trạng như hiện nay, cần chấn chỉnh, siết lại việc cấp phép thi hoa hậu, người đẹp.

Hà Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI