PNO - Vụ việc huấn luyện viên trích thu % tiền thưởng của vận động viên thể dục dụng cụ trước mắt cơ quan chức năng xác định là có, còn thu dùng vào mục đích gì đang được tiếp tục làm rõ. Nhưng đây không phải là vụ việc lần đầu xảy ra trong ngành thể thao, khiến người ta đặt câu hỏi trong các bộ môn khác thì sao?
Như vậy, lại thêm một vụ lùm xùm thu tiền bất minh của vận động viên. Lần này là ở bộ môn thể dục dụng cụ, bộ môn mà các vận động viên thường có tuổi đời rất trẻ và tham gia huấn luyện ngay từ lúc 6, 7 tuổi.
Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương thi đấu tại SEA Games 31
Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương không được gọi lên tập trung ở đội tuyển quốc gia vì đi nước ngoài không xin phép. Cô cho rằng mình bị “kỷ luật” oan, do cô đã gửi đơn xin đến huấn luyện viên phụ trách của mình. Ấm ức, cô tuyên bố giải nghệ và nhân đó phanh phui những vụ bị huấn luyện viên thu tiền thưởng chế độ, tiền thưởng nóng. Cô còn phải đóng quỹ không rõ mục đích sử dụng hàng tháng. Và cả chuyện nhận khống tiền công tập luyện ở đội Thể dục dụng cụ, sau đó nộp lại 50% cho huấn luyện viên, “người có công” lập thủ tục để nhận khống tiền công. Dù vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ, nhưng xác minh ban đầu cho thấy việc huấn luyện viên thu trái quy định là có.
Trong vụ việc này cũng cần công tâm nhận định cô vận động viên có khuyết điểm vì đi nước ngoài không có phép. Đáng lẽ cô phải làm đơn xin bằng giấy trắng mực đen và nhận được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền cũng phải bằng giấy trắng mực đen, có cả dấu đỏ, không thể biện hộ bằng bất kỳ lý do nào khác. Khi vụ việc vở lỡ mới biết cô được đề xuất tập trung tập huấn với đội tuyển quốc gia, nhưng do không có mặt trong thời gian dài nên đã bị cắt tên với lý do “nghỉ tập thời gian dài sẽ khó đáp ứng được giáo án huấn luyện”. Không có quyết định kỷ luật nào ở đây. Tuy nhiên các huấn luyện viên nhận được đơn của cô và giấy cam kết của gia đình với lý do gì mà không báo cáo cấp có thẩm quyền việc xin nghỉ của cô cũng cần phải làm rõ. Khó tin là do quên.
Năm 2023 tai tiếng thu tiền đã từng xảy ra ở bộ môn bóng bàn, giờ đến bộ môn thể dục dụng cụ. Còn các bộ môn khác thì sao? Với tình hình thu nhập của vận động viên và huấn luyện viên của nhiều bộ môn thể dục thể thao có thể là chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Nhưng không thể lấy đó làm nguyên nhân để họ làm bừa làm ẩu, kiếm thêm tiền dù tiền đó dùng vào mục đích gì thì cũng là thu trái quy định. Và cơ quan quản lý cấp trên có hay biết không khi những vụ như vậy đã xảy ra từ nhiều năm? Quản lý thế nào mà chỉ khi dư luận phanh phui vụ việc các cơ quan cấp trên mới biết, vào cuộc làm rõ.
Thiết nghĩ các cơ quan thẩm quyền cần xem xét một cách toàn diện về cách quản lý vận động viên và huấn luyện viên tất cả các bộ môn, kể cả bộ môn nhiều tiền như bóng đá. Có như vậy mới chấm dứt được chuyện nay phát hiện chuyện tày trời này, mai phát hiện thêm chuyện khác, vừa gây bức xúc cho vận động viên, vừa làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt thể thao nước nhà.