PNO - Khi mắc HIV, trẻ sống khép kín với cộng đồng, người thân, dễ dẫn đến bỏ điều trị. Bên cạnh đó, suy nghĩ chưa chín chắn cũng khiến trẻ dễ trở thành nguồn lây bệnh ra cộng đồng.
Em H. đang được bác sĩ Dư Tuấn Quy thăm khám, điều trị - Ảnh: P.A.
Những câu chuyện xót xa
Khi vừa được sinh ra, em N.L.H. (12 tuổi, ở TPHCM) đã bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Từ nhỏ, sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, H. vô tư lớn lên cùng những viên thuốc kháng HIV (ARV) mà mẹ nói với em là kẹo thưởng vì em ngoan. Ban đầu, em chưa ý thức được sự quan trọng của những “viên kẹo thưởng” cho đến mấy năm trước, cha mẹ lần lượt qua đời, em thì cứ bệnh triền miên. Các cơn khó thở, nốt phát ban liên tục hành hạ, em dần nhận ra mình khác với bạn bè. Từ đó, cứ vào thứ Ba hoặc thứ Năm hằng tuần, em phải vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM để khám và nhận thuốc kháng HIV về uống.
Dường như đã lâu không nói được với ai nên em cứ nhìn ra hành lang bệnh viện, nhớ về quãng thời gian đầy cơ cực khi không còn mẹ. “Khi cha mẹ mất, em nương tựa vào bà con xung quanh. Được một thời gian, em nghỉ học đi phụ cho một quán ăn. Đến khi dịch COVID-19 xuất hiện, em không tìm được việc làm, cuộc sống cứ bấp bênh. Bây giờ đỡ hơn, em đã có thể đến bệnh viện nhận thuốc thường xuyên nên sức khỏe tốt hơn rồi. Đợi sức khỏe ổn định, em hy vọng mình được quay lại trường học”, em H. tâm sự.
Ngồi bên cạnh, nghe H. nói, em N.M.T. (14 tuổi) mím chặt môi: “Nếu được chọn lựa lại, em thà làm thật nhiều việc để kiếm sống”. Câu nói đầy khát khao của T. làm ai cũng xót xa. Em kể mình vốn là đứa trẻ khỏe mạnh, nhưng do mồ côi từ bé, không nơi nương tựa nên dần mất phương hướng. “Để kiếm sống, em trải qua nhiều nghề khác nhau. Cũng vì lúc đó em quá nhỏ nên tiền công không nhiều, bữa đói bữa no rất chán nản. Đến khi có người hỏi em muốn “việc nhẹ lương cao” không, em gật đầu và cứ thế cuốn theo những... cuộc tình một đêm”, T. nhớ lại.
Càng kiếm được tiền T. càng trượt dài theo những bạn tình của mình, cho đến một ngày bị sốt cao, đi bệnh viện mới biết mình bị lây nhiễm HIV. May mắn, ngay trong lúc em chới với, các bác sĩ đã ở bên cạnh giải tỏa áp lực tâm lý, khuyên nhủ để T. biết rằng em cần phải chăm sóc sức khỏe và hạn chế lây lan cho người xung quanh. Đến nay, rất ân hận, nuối tiếc khoảng thời gian đã qua, em đang từng ngày cố gắng tìm lại cuộc đời mình.
Giúp trẻ chủ động trong cuộc sống
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - hiện tại bệnh viện đang quản lý 437 trẻ nhiễm HIV, trong đó trẻ vị thành niên chiếm đến hơn 300 trường hợp. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận quản lý thêm từ 10-15 trẻ nhiễm HIV mới.
Trẻ nhiễm HIV được chia thành 2 nhóm, bao gồm nhóm trẻ bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ sang con. Ở nhóm tuổi này, đa số trẻ đã trưởng thành, tuy nhiên hầu hết ông bà, cha mẹ của các em đã mất, các em không nơi nương tựa, phải tự mưu sinh. Bên cạnh đó, nhóm trẻ có độ tuổi từ 11-13 tuổi lây nhiễm HIV từ quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy. Đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Đây là nhóm cần được quan tâm từ việc sử dụng thuốc điều trị đến tinh thần, bởi các em đang ở độ tuổi mới lớn, tâm sinh lý nhạy cảm, khi biết bản thân mắc bệnh, nguy cơ trẻ rơi vào tâm trạng tiêu cực, bất cần đời.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết: “Trước đây, trong các chương trình phòng, tránh lây nhiễm HIV cho trẻ ở tuổi vị thành niên, chúng ta thường quan tâm đến nhóm trẻ từ 14 tuổi trở lên mà quên đi nhóm thấp tuổi hơn. Với mô hình xã hội thay đổi, trẻ em quan hệ tình dục ngày càng sớm nên thời gian qua có nhiều trẻ dù còn nhỏ tuổi đã nhiễm HIV.
Đặc biệt là những trẻ có quan hệ đồng giới. Dù trẻ thuộc nhóm quản lý nào cũng cần phải uống thuốc kháng HIV đúng liệu trình, không được bỏ thuốc. Như vừa rồi, có em đang học lớp Chín ở TPHCM quan hệ đồng giới với những nam học sinh lớp trên rồi bị HIV. Đáng nói, khi bị bệnh, lẽ ra phải tuân thủ điều trị, em lại không uống thuốc, rồi bị nhiễm trùng và đã tử vong vào giữa tháng Mười hai vừa qua”.
Theo bác sĩ Quy, việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV vốn đã khó, sau dịch COVID-19 càng khó khăn hơn, do nhiều nguyên nhân, số lượng trẻ bỏ tái khám. Trong đó, phần lớn bệnh nhi nói sau dịch tìm việc quá khó nên không đủ trang trải, các em phải di chuyển nhiều nơi để kiếm sống, hết thuốc cũng chỉ biết gồng mình chịu đựng. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ kháng thuốc, nhiễm trùng rất cao.
Xót xa hơn, không thể xin việc trong thời gian dài, có em chấp nhận làm việc ở những quán “đèn mờ”, bán dâm để sống. Đáng nói, phần vì khách yêu cầu, phần do không còn hy vọng sống, tâm lý chán nản, thù hận làm cho các em chán nản, sống buông thả, cố ý không sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ để lây nhiễm HIV cho bạn tình.
Mặc dù bệnh viện cố gắng tư vấn, theo dõi, điện thoại nhắc nhở các em uống thuốc, tái khám trong suốt quá trình điều trị nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài việc phối hợp với nhiều tổ chức cộng đồng, nhóm đồng đẳng MSM, chính quyền địa phương để hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng, bệnh viện hy vọng thời gian tới cộng đồng cùng quan tâm, giúp đỡ cho các em thêm cơ hội để được học chữ, học nghề và có công việc ổn định, từ đó tự tin, chủ động hơn trong cuộc sống của mình.
Nâng đỡ tinh thần cho trẻ là vấn đề cấp bách
Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến - Khoa Tâm thể Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, điều quan trọng khi thông báo kết quả dương tính với HIV với người bệnh, bác sĩ cần giải thích cặn kẽ về bệnh để bệnh nhân có sự chuẩn bị về tinh thần.
Trong quá trình điều trị, ngoài công tác chuyên môn, trẻ em rất cần được nâng đỡ về tâm lý. Bởi các em còn quá nhỏ để hiểu hết về căn bệnh của mình, càng khó khăn trong việc phát triển nếu xung quanh vẫn còn nhiều ánh mắt dè chừng. Thay vì thương hại, người thân, người quen hãy đối xử với các bé một cách bình thường, tạo cơ hội cho các bé học tập, vui chơi một cách cởi mở. Quan trọng, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ phải được thực hiện xuyên suốt quá trình điều trị.
Nếu trẻ có các dấu hiệu như mất ngủ, mệt mỏi, hay lo lắng, hồi hộp, tâm lý trốn tránh người xung quanh, hoặc dễ cáu gắt, nóng nảy, trẻ tự làm tổn thương mình... người thân, người bảo trợ nên động viên, cùng trẻ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.
Vượt qua khổ đau khi biết mình mang trong người căn bệnh thế kỷ, nhiều năm nay anh Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Sài Gòn Pride - đã tạo mạng lưới hỗ trợ người nhiễm HIV. Anh Hiếu chia sẻ, bên cạnh thuốc điều trị, nâng đỡ tinh thần cho người bị nhiễm HIV là vấn đề rất cấp bách. Hầu hết người bệnh ít sợ tử vong mà lo lắng bản thân mình lây nhiễm bệnh, cũng như trở thành gánh nặng cho gia đình. Do sợ bị bỏ rơi nên người bệnh cũng không dám nói ra căn bệnh của mình, dần dần dẫn đến các rối loạn về sức khỏe tinh thần, có người muốn tự tử, số ít người lại oán hận.
Theo anh Hiếu, tất cả người nhiễm HIV đều có thể sống khỏe mạnh, có ích, luôn khao khát vươn lên nhưng rất ít cơ hội được lắng nghe, chia sẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm và mạng lưới hỗ trợ người nhiễm HIV tại tất cả quận, huyện ở TPHCM, TP Thủ Đức và một số tỉnh, thành lân cận, anh Hiếu thừa nhận vẫn rất khó tiếp cận trẻ em bị HIV bởi còn nhiều rào cản từ gia đình, người bảo trợ.
“Cũng vì thương các em, người thân, người nuôi dưỡng cho rằng các em đã quá tội nghiệp, chứ không nghĩ rằng các em có quyền hòa nhập, lớn lên như những đứa trẻ khác. Chính từ trong gia đình khiến các em cảm thấy có sự phân biệt nên càng thu người hơn. Có em cố gắng vượt qua, vẫn có em mắc các vấn đề tâm lý nặng nề, kết quả dẫn đến sự phản kháng rất dữ”, anh Hiếu cho biết.
Anh Hiếu nhấn mạnh, dù là trẻ em hay người lớn, chỉ khi hiểu rõ về HIV, biết cách bảo vệ mình và người xung quanh thì cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Vì vậy, hãy tạo điều kiện để trẻ có thể học tập, hòa nhập, sinh hoạt trong cộng đồng và có việc làm ổn định sau này.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.