Cận cảnh tranh làm từ bao bố của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm

13/05/2024 - 19:25

PNO - Không vẽ tranh bằng acrylic, sơn dầu hay màu nước, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm gây chú ý khi chọn chất liệu chính cho tranh là bao bố, chỉ may, màu từ rễ cây...

Hoạ sĩ Hoàng Đăng Nghiễm thể nghiệm các chất liệu khác nhau trước khi chọn vẽ tranh bằng vải bố
Hoạ sĩ Hoàng Đăng Nghiễm từng thử qua các chất liệu khác nhau trước khi chọn vẽ tranh bằng vải bố và một số phụ kiện khác

Tranh của hoạ sĩ Hoàng Đăng Nghiễm tạo được sự chú ý trên thị trường vì có nét độc đáo riêng, khó đụng hàng. Anh không vẽ bằng những chất liệu thường thấy trong hội họa, mà chọn sáng tạo với vải bố, jeans, chỉ may...

Trong nghệ thuật, sự khác biệt về chất liệu cũng là yếu tố giúp tác phẩm thu hút người xem chú ý. Nhưng đôi khi, sự mới lạ cũng dễ khiến công chúng phân vân: chất liệu hơi thô ráp có dễ “chạm” đến đám đông thưởng lãm? Với tranh của Hoàng Đăng Nghiễm, chỉ khi nào quan sát, tìm hiểu cặn kẽ hơn, người xem mới có thể tự trả lời.

Bức tranh có tông màu ngọt ngào khá hiếm hoi tại triển lãm Đường kim mũi chỉ
Bức tranh có tông màu ngọt ngào khá hiếm hoi tại triển lãm Đường kim mũi chỉ

Về phần màu, tranh của hoạ sĩ Hoàng Đăng Nghiễm không quá đa dạng màu sắc. Tranh thiên về màu trầm, trung tính, thỉnh thoảng mới đột phá với mảng màu vàng, hồng sáng. Các chi tiết xuất hiện trên bề mặt cũng khá tối giản, không lồng nhiều thông điệp về câu chữ.

Khi được chia sẻ về nguồn gốc của màu sắc, các tác phẩm lại càng đặc biệt. Nam họa sĩ cho biết màu dùng nhuộm cho toan khá công phu, được lấy từ màu các loại rễ cây rừng của người Mông ở Sapa, Ba na và Cơ tu ở Tây Nguyên… Ngoài ra, màu còn lấy từ một số người dân tộc thiểu số ở Lào.

Gam màu trầm, trung tính chiếm đa số tại triển lãm
Gam màu trầm, trung tính chiếm đa số tại triển lãm

“Với hội họa hiện đại Việt Nam, đa phần vật liệu là du nhập. Vì vậy mà hiệu ứng từ những vật liệu mới đã biến thành chất liệu và cả hiệu quả mỹ thuật. Với các nước phát triển cũng vậy, việc tìm ra một vật liệu mới cho mỹ thuật cũng quan trọng như tìm ra ngôn ngữ mới, câu chuyện mới, chất liệu mới.

Trở lại với Đường kim mũi chỉ, có thể nói Hoàng Đăng Nghiễm đã dùng một kỹ thuật “vẽ” ít giống ai để xóa nhòa khoảng cách về vật liệu và chất liệu trên tác phẩm”, nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ.

Triển lãm của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm chia thành 4 chủ đề chính gồm Đường kim mũi chỉ, Cát bụi vẫn còn, Hàn gắn, Vá khâu. Như tên gọi của từng phần, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm có sắp xếp các tác phẩm để khán giả dễ hình dung.

Nhìn từ xa, tác phẩm như
Nhìn từ xa, tác phẩm như một cuộc dạo chơi về màu sắc và những đường rách, chỉ may, slogan đính kèm được bố trí khá tự nhiên
Khi nhìn cận cảnh, thấy chất liệu được xử lý, may khá đều với nhiều lớp chồng lên nhau
Khi nhìn cận cảnh, thấy chất liệu được xử lý, may khá đều với nhiều lớp chồng lên nhau

Về tên gọi của triển lãm và sự lựa chọn thể hiện bằng kim chỉ, nam họa sĩ tiết lộ mỗi khi khâu vá trên tranh, anh dường như cũng đang khâu vá những tổn thương trong tâm hồn. Đây là những "đứt gãy" khó tránh trong hành trình sống với nhiều biến thiên cuộc đời. Để rồi từ những đường kim mũi chỉ cả hữu hình lẫn vô hình ấy, anh cảm thấy tinh thần thoải mái, dễ chịu hơn.

Triển lãm khai mạc hôm nay (13/5), kéo dài đến hết 31/5 tại địa chỉ 83-85 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM.

Hoàng Đăng Nghiễm sinh năm 1974 trong gia đình có cha là họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (1942 - 2021), em là họa sĩ Hoàng Đăng Khanh. Anh biết vẽ từ nhỏ, nhưng khi lớn lên lại chọn con đường kiến trúc, làm nội thất. Năm 2020, tại Huế, Hoàng Đăng Nghiễm mở triển lãm cá nhân đầu tiên. Sau thời gian nghiên cứu, muốn tìm hướng sáng tạo khác lạ hơn, cá biệt hơn, anh nghiên cứu và làm tranh bằng bao bố nhuộm.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI