Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách trung ương 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương).
Mục tiêu của đề án này nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người Ơ Đu, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
|
Nghệ An đã chi hơn 12 tỷ đồng xây dựng 67 chuồng bò cho người Ơ Đu |
|
Một chuồng bò đôi có giá 236 triệu đồng |
Ngày 11/7/2019, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 2618/QĐ-UBND về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019.
Trong phần hỗ trợ sản xuất có 6 nội dung, gồm kinh phí hỗ trợ con giống, gia súc có hiệu quả kinh tế cao với số tiền dự kiến hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm là hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong đó, hạng mục hỗ trợ, xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với kinh phí hơn 12 tỷ đồng được thực hiện tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) - chủ đầu tư đã cho xây dựng 67 chuồng trại đang khiến dư luận tranh cãi.
|
Chuồng bò loại 2 được xây dựng cho người dân với giá 236 triệu đồng/chuồng |
|
Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn |
Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng.
Điều đặc biệt là mẫu chuồng loại 2 (chuồng đôi, 10 chuồng), có giá tới 2,36 tỷ đồng, tương đương 236 triệu đồng/chuồng nhưng không khác mẫu chuồng loại 1, chỉ gấp đôi kích thước. Mỗi chuồng bò loại 2 có kích thước 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; trước và sau có bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn...
Bản Văng Môn - nơi thực hiện đề án này - cách trung tâm huyện Tương Dương chừng 60km đường rừng. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà xây bằng xi măng, cốt thép kiểu nhà sàn được xây dựng lâu ngày đã xuống cấp chen lẫn những ngôi nhà sàn gỗ lợp tranh vách nứa và những ngôi nhà mới lợp tôn màu xanh kiên cố.
|
Bên trong chuồng bò được ngăn bằng khung thép |
Những mái nhà bằng tôn mới lợp ấy lại là những ngôi nhà vừa được xây dựng cho bò ở. Anh Lô Văn Linh (trú tại bản Văng Môn) chỉ vào con bò mới được nhận mà nói vui: “Giờ đi đâu họ cũng nói, bò sướng hơn người. Nhà thì xuống cấp, dột nát không được sửa”.
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương - cho hay, cần phải xem dự toán, đơn giá có đúng với giá nhà nước, khối lượng hay không. Trong số gần 13 tỷ đồng chi ra không chỉ xây dựng mỗi chuồng bò mà còn nhiều khoản khác.
|
Những chuồng bò giá hàng trăm triệu đồng xây dựng bên cạnh nhà ở xập xệ của người dân |
“Tính ra một mét vuông xây dựng có giá 3,2 triệu đồng. Tất cả đều đã qua thẩm định, đơn giá rồi, không thể nói là khai khống được. Mỗi người một quan điểm, ví dụ như tôi nói mới mua một cái bút 100.000 đồng, có anh nói sao đắt rứa. Đắt rứa vì các ông không coi, nó thương hiệu gì” - ông Hải phân tích.
Nói về loại chuồng bò trị giá 236 triệu đồng này, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng phòng Quản lý Xây dựng công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An (đơn vị thẩm định giá) cho rằng: “Không lãng phí đâu. Đây là dự án xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của chăn nuôi bò”.
Loại chuồng bò này có giá tới 236 triệu đồng bởi đây là loại chuồng đôi. Ban Dân tộc hỗ trợ cho mỗi gia đình 4 con bò, 2 gia đình gần nhau thì gộp lại chuồng đôi.
“Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của nhà nước nên ra số tiền như vậy. Nếu xây chuồng đóng mấy cái cọc rồi bỏ mấy cái ràn thì khác, đây là chuồng mẫu là khác. Đây là lần đầu tiên Sở thẩm định xây dựng một công trình, dự án như vậy. Làm mẫu mô hình, nếu không được thì sau này đừng làm nữa” - ông Quyền nói.
Tháng 9/2019, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định loại 231 nhân khẩu ở bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) khỏi Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An do địa phương này không có người dân tộc Ơ Đu sinh sống.
Nói về việc “đưa nhầm” người Ơ Đu vào danh sách này, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho rằng, đề án được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa số liệu khảo sát thực tế và niên giám thống kê huyện Tương Dương. Đến 31/12/2015, xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 nhân khẩu người Ơ Đu. Đến tháng 2/2019, Ban Dân tộc thành lập đoàn khảo sát thực trạng dân tộc Ơ Đu ở xã Lượng Minh nhưng số liệu không đúng với đề án được duyệt.
“Số liệu của dân tộc Ơ Đu liên tục thay đổi không logic trong những lần điều tra dân số. Lý do là người Ơ Đu sống chung trong cộng đồng của dân tộc Thái hoặc Khơ mú, hoặc trong gia đình có vợ hoặc chồng là người Ơ Đu. Vì thế có lúc họ nhận là dân tộc Ơ Đu, nhưng có lúc lại nhận dân tộc khác”, báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nêu.
|
Phan Ngọc