Cận cảnh làng nghề khô cá sặc bổi lâu đời lớn nhất miền Tây Nam Bộ

24/02/2018 - 00:19

PNO - Khi nhu cầu thị trường tăng vọt, nhiều người bắt đầu “mê” khô sặc, nghề làm khô đã phát triển mạnh tại huyện An Phú (An Giang), trở thành nguồn sống của nhiều người dân nơi đây.

 

Chạy theo con đường Quốc lộ 91C từ TP. Châu Đốc đến gần cửa khẩu biên giới Long Bình (huyện An Phú, An Giang), không khó nhìn thấy những chiếc xe máy gắn thêm baga phía sau chở đầy khô cá lóc, cá sặc bổi, cá tra,… được muối ướp trông thật hấp dẫn.

Khi chưa đầy 2km nữa là đến cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia, chúng tôi được người dân nơi đây hướng dẫn rẻ vào một khúc đường lớn hướng về phía bãi khô cá sặc bổi được xem là lớn nhất miền Tây Nam Bộ.

Người dân nơi đây cho biết, nguồn cá sặc bổi trước nay được đánh bắt ngay trên dòng sông Hậu và con sông Bình Di nơi ngăn cách giữa Việt Nam và Campuchia.

Can canh lang nghe kho ca sac boi lau doi lon nhat mien Tay Nam Bo
 

Men theo một con hẻm nhỏ đi vào phía sau bãi khô, những ngôi nhà sàn mọc lên san sát. Nhà nào cũng đã bắt đầu phơi khô phục vụ cho nhu cầu của thị trường sau tết. Những vạc tre lớn, đan lại với nhau được người dân làm dụng cụ phơi khô. Mùi cá, muối,... bốc lên, dai dẳng trong không khí như bao trùm cả một vùng quê nhỏ.

Làng khô cá sặc Khánh An hiện có khoảng 20 hộ chuyên chế biến khô cung cấp cho thị trường. Trong đó có 6 hộ sản xuất với quy mô lớn, tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Tại một khu vực làm khô khá quy mô, 6 người phụ nữ đang xếp những con cá vừa muối lên giá phơi, trò chuyện khá e dè khi thấy người lạ đến hỏi thăm. Tất cả họ đều là những người làm thuê cho một chủ vựa khô lớn tại Khánh An. 

Vừa trả lời chúng tôi, vừa luôn tay xếp thẳng tắp và nhanh nhẹn từng con cá sặc bổi lên giá đủ để thấy họ có sự gắn bó, kinh nghiệm với con cá đặc sản của quê hương.

Theo người dân địa phương, làng khô cá sặc bổi đã có từ rất lâu đời, nhưng chỉ thực sự nổi tiếng, được khắp nơi biết đến là khoảng 15 năm trở lại đây. Đáp ứng thị hiếu của người dùng về một món ăn đân dã nhưng lại rất mặn mòi, khô cá sặc bổi ở làng nghề Khánh An đã có mặt tại nhiều khu chợ trong nước hay chợ đặc sản của nước ngoài.

Can canh lang nghe kho ca sac boi lau doi lon nhat mien Tay Nam Bo
 

Nổi tiếng không chỉ có bề dày truyền thống lâu năm, khô cá sặc bổi Khánh An khiến thực khách khó quên còn ở cách tẩm ướp gia vị và chế biến con khô rất vừa ăn. Để có con cá khô ngon, phải qua rất nhiều công đoạn, như làm sạch, tẩm ướp gia vị và đem phơi nắng. Trong đó, khâu ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng và đây cũng là “bí quyết” gia truyền... 

Do được biết đến ngày càng nhiều nên hầu hết người dân tại làng khô Khánh An về sau này ăn nên, làm ra. Một số hộ đã triển khai làm khô sặc theo hướng công nghiệp, đóng bao bì, đăng ký thương hiệu để tăng giá trị kinh tế.

Can canh lang nghe kho ca sac boi lau doi lon nhat mien Tay Nam Bo
 

Tuy nhiên, theo nhận xét của chị N.Ngọc (ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú), từ khi việc chế biến khô sặc được công nghiệp hóa, nguồn cá thiên nhiên cũng ngày một ít đi, người dân phải dùng cá nuôi để làm khô nên ít nhiều đã mất đi hương vị truyền thống ngày xưa. Đổi lại, cá nuôi kích cỡ đều, ít lẫn con đực (cá đực thường nhỏ hơn con cái) nên mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, khô sặc bổi loại đặc biệt tại làng khô được bán với giá 180.000 đồng/kg, loại 1, 2 có giá lần lượt 130.000-150.000 đồng/kg. 

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI