Những ngày đầu năm 2024, các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng lại cho ra mắt mẫu Kỳ linh con giáp năm nay là mẫu sản phẩm ấn rồng bằng gốm sứ dát vàng.
Nghệ nhân Phạm Việt Khoa (Bát Tràng, Hà Nội) cho biết, mẫu sản phẩm Kỳ linh Giáp Thìn được lấy cảm hứng từ ấn "Hoàng đế chi bảo" vừa được hồi hương cuối năm 2023 vừa qua với những đường nét cách điệu.
Nghệ nhân Phạm Việt Khoa cho biết thêm, để làm ra sản phẩm này, người làm phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn khó và tỉ mỉ nhất là tạo hình rồng ngự trên đài ấn.
Hình tượng rồng được tạo nên dựa theo hình rồng thời Lê đang ngự tại điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long).
Sau khi tạo hình, chiếc ấn được phơi khô trong 5 ngày trước khi đưa đi nung.
Chiếc ấn rồng mang các nét truyền thống của văn hoá Việt Nam. Trong đó 3 mặt của ấn chạm chữ An - Thuận - Phát. Mặt còn lại chạm hình tượng cá chép hoá rồng.
Sau khi nung lần 1 và ra sản phẩm phôi. Các nghệ nhân tiếp tục tới công đoạn được mong chờ nhất là vẽ vàng.
Tại đây, các nghệ nhân sẽ dùng vàng nung dạng lỏng để vẽ chi tiết. Mỗi sản phẩm mất khoảng 2,5 tiếng để hoàn thiện phần vẽ vàng. Sau đó, tiếp tục được đưa đi nung lần 2 trong khoảng 6-8 tiếng trong nhiệt độ phù hợp để tạo ra lớp men vàng bắt mắt.
Mỗi người thợ có thể hoàn thiện phần vẽ vàng cho khoảng 5-6 sản phẩm mỗi ngày.
Bộ sản phẩm Kỳ Linh Giáp Thìn 2024 mang tên "dấu ấn rồng thiêng" với ý nghĩa như bước chuyển mình sang một thời kỳ mới, một bước chuyển mình mới.
Mỗi sản phẩm trải qua gần 100 ngày với hơn 24 công đoạn kỳ công, tỉ mỉ mới tới tay khách hàng, giá mỗi sản phẩm lên tới hàng chục triệu đồng. Những ngày này, các nghệ nhân, thợ thủ công tại Bát Tràng phải làm việc tới 12-14 tiếng mỗi ngày.
Sản phẩm Kỳ Linh Giáp Thìn không mạ vàng toàn bộ sản phẩm mà chỉ đi vào những đường nét chính, tạo nên cái thần của rồng, tăng thêm vẻ tinh tế, sang trọng.