PNO - Nhất trí với phương án kéo dài thời gian thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai dự án làm sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) nhưng các đại biểu Quốc hội mong Chính phủ cam kết không để dự án này tiếp tục bị lùi tiến độ hoàn thành thêm lần nào nữa.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn - một phần của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) - Ảnh: Phạm Luận
Dự án lớn “vắt” qua 3 nhiệm kỳ
Sáng 9/11, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về việc điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết 53/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đề xuất của Chính phủ, dự án này cần được kéo dài thời gian thực hiện và thời gian giải ngân vốn đầu tư đến hết năm 2024.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) nhận xét, tiến độ thực hiện dự án xây sân bay Long Thành rất chậm chạp và gặp nhiều khó khăn. Bà cho rằng, lý do chậm tiến độ mà Chính phủ nêu (do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) là không chính đáng, bởi quyết tâm của UBND tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam. “Tôi nghĩ, còn có nhiều nguyên nhân mà Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai cần phân tích để chúng ta có thêm những bài học kinh nghiệm khi triển khai những dự án tương tự sau này” - bà nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, việc điều chỉnh tiến độ dự án thành phần ảnh hưởng như thế nào đến việc đưa sân bay vào khai thác giai đoạn 1; khi bị chậm ở giai đoạn đầu, việc đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn cuối có đảm bảo chất lượng công trình hay không: “Xây sân bay Long Thành là dự án rất lớn và kéo dài qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIII thông qua chủ trương đầu tư, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 53 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần. Quốc hội khóa XV xem xét, cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần. Do đó, Chính phủ cần cam kết không để dự án bị lùi, hoãn thêm một lần nữa”.
Giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, có 6 nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ: sự thay đổi nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai; thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế, đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau thời gian giãn cách xã hội; nhiều vướng mắc về thể chế trong quá trình triển khai dự án. Ông nói sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan, từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để.
Ưu tiên tuyển dụng người bị thu hồi đất
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi được 97,5% diện tích dự án, bàn giao 100% mặt bằng để triển khai dự án xây dựng cho giai đoạn 1. Việc chậm thu hồi, giải phóng 2,4% diện tích mặt bằng còn lại không ảnh hưởng xấu đến việc thi công sân bay Long Thành nhưng tiến độ tổng thể còn phụ thuộc vào dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Long Thành giai đoạn 1 và gói thầu xây dựng nhà ga hành khách.
Ông thông tin thêm, vừa qua, chủ đầu tư dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu với thời gian thi công 39 tháng. Nếu đúng theo hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10 - 11/2026, chậm hơn so với yêu cầu trong Nghị quyết 94 của Quốc hội, đó là phải hoàn thành trong năm 2025. Dù vậy, ông kỳ vọng, có thể hoàn thành được dự án trong năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) đánh giá, công tác triển khai đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc dự án xây sân bay Long Thành đang quá chậm. Cụ thể, tới nay, dù đã quá thời hạn hoàn thành dự án gần 2 năm, đề án chỉ mới làm đến bước điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề. Đến nay, chỉ có 3/11 công trình trường học, chợ, trung tâm văn hóa, trụ sở UBND xã được hoàn thành. Sự chậm chạp này khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Tranh luận với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai - nêu nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân cho đề án giải quyết việc làm không đạt. Theo bà, các hộ dân trong phạm vi dự án đều đang ở tuổi lao động và đang có việc làm; xung quanh dự án, có nhiều khu công nghiệp nên nhu cầu tìm việc làm không quá lớn.
Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức mở lớp và thông báo cho người dân tham gia. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo khảo sát về nhu cầu làm việc cho dự án để ưu tiên tuyển dụng người địa phương, góp phần đảm bảo công ăn việc làm cho người dân bị thu hồi. Bộ cũng yêu cầu các công ty hàng không ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương với tỉ lệ nhất định.
Năm 2024, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%
Chiều 9/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024. Nghị quyết nêu 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó xác định tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.
Một số chỉ tiêu khác gồm: tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó khoảng 28 - 28,5% có bằng cấp, chứng chỉ; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%; đạt 13,5 bác sĩ trên 10.000 dân; đạt 32,5 giường bệnh trên 10.000 dân; 94,1% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đúng quy chuẩn; 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, đẩy mạnh hoạt động đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; đẩy mạnh tiến độ xây dựng, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức từ ngày 1/7/2024; mở rộng độ bao phủ và đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Nghị quyết cũng yêu cầu sớm rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.