|
Đại biểu cho rằng, TPHCM đã tạo ra những dấu ấn tiêu biểu, thể hiện ở sự đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm |
Ngày 18/10, Đoàn khảo sát nhóm 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã làm việc với Thành ủy TPHCM.
Dấu ấn sáng tạo, tiên phong
Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho hay, sau 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, TPHCM đã tạo ra những dấu ấn tiêu biểu, thể hiện ở sự đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập của đất nước.
Trong đó, thành phố sớm thừa nhận các loại hình doanh nghiệp để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, việc nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường sản xuất công nghiệp, tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, dịch vụ. Trong 6 khu chế xuất của cả nước thì các khu chế xuất ở TPHCM ra đời sớm nhất, thu hút nhiều vốn đầu tư, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Từ các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đã du nhập nhiều kỹ thuật, công nghệ mới. Từ đó, hình thành các mô hình khoa học và công nghệ điển hình như: Khu công nghệ cao; Công viên phần mềm Quang Trung - mô hình mẫu trong quản lý một ngành công nghệ cao; Khu Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, TPHCM - nhìn nhận, cần phải nói đến dấu ấn của TPHCM khi đã khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ rộng hơn 40.000ha. Sau 45 năm, rừng Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa về sinh thái mà còn trở thành tài sản có giá trị kinh tế. Bởi trong điều kiện Việt Nam đã ký Nghị định thư Kyoto về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì 40.000ha rừng Cần Giờ có thể quy đổi ra tín chỉ các bon để làm vốn mời gọi các nhà đầu tư trên thế giới. Tín chỉ các bon là vấn đề các nước rất quan tâm khi hiện nay thế giới đang hướng tới sản xuất xanh, kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Hiệp cũng đánh giá cao vai trò của báo chí TPHCM trong chặng đường 40 năm đổi mới. Bởi báo chí vừa là kênh phổ biến chủ trương chính sách, vừa tuyên truyền vận động người dân, và cũng là một kênh giám sát hiệu quả giúp Đảng, chính quyền điều chỉnh các quyết sách phù hợp thực tiễn cuộc sống. “Báo chí TPHCM thời kỳ đổi mới tham gia giúp sức rất nhiều cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố, phát hiện mô hình mới trong nhân dân, phát hiện những thói tật của chính quyền như tham nhũng, quan liêu, hách dịch. Đây cũng cần được xem là thành tựu của TPHCM trong 40 năm qua” - ông Nguyễn Hữu Hiệp nói.
Chất lượng sống của dân thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Hiệp thẳng thắn nhận xét, lĩnh vực văn học nghệ thuật trong 40 năm qua hoạt động chưa hiệu quả. 10 năm sau giải phóng, TPHCM đã xây được nhà hát Hòa Bình. 40 năm sau giải phóng, thành phố cải tạo được nhà hát Trần Hữu Trang. Trong mấy chục năm qua chỉ có được 2 nhà hát. Ngoài ra, không có nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc trưng, để đời. Như vậy, từ đầu tư cơ sở vật chất đến các tác phẩm văn học nghệ thuật đi vào lòng người đều hạn chế. Điều này cần được nhìn nhận một cách đầy đủ, cần chính sách thu hút được nguồn lực trong xã hội để có những tác phẩm đi vào lòng người, mang tính giáo dục nhân văn, thể hiện sự phát triển của TPHCM với vai trò đầu tàu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Hiệp cũng cho rằng tuy có Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM, nhưng việc triển khai trong thực tế vẫn còn một số vướng mắc. Đáng lẽ, khi Nghị quyết của Quốc hội đã quy định thì có thể thực hiện ngay, thế nhưng hiện nay vẫn phải chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Ông Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM - thẳng thắn nhìn nhận, sau 40 năm đổi mới, đất nước nói chung và TPHCM nói riêng vẫn chưa cất cánh được, GDP vẫn ở mức thấp. Ông cho rằng, cần bước ra để xem cuộc sống người dân đã tốt hết chưa, hay vẫn ngập nước, kẹt xe, thiếu việc làm. Trường công đủ chưa, miễn phí chưa? Bệnh viện đủ chưa? Mức sống của người dân thế nào? Đó là câu trả lời cho việc chúng ta đã xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hay chưa.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, để giải quyết được các "bài toán khó" của đô thị và nâng cao chất lượng sống của người dân, cần phải có các quy định cụ thể về mô hình chính quyền đô thị. Hiện nay TPHCM, Hà Nội vận hành theo cơ chế “xin thêm” chứ chưa có Luật Đô thị. Vận hành một chính quyền đô thị nhưng lại không có chính sách, lý luận thì rất nhiều bất cập.
Xu thế đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh. Năm 1975, cả nước chỉ có 18% dân số sống ở thành thị, hiện nay đã hơn 38%. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, năm 2040 có đến 50% dân số sống ở thành thị. Các đô thị tập trung đến 90% GDP cả nước. Với số lượng đông đảo như thế thì câu chuyện chính quyền đô thị không phải là vấn đề đặt ra với chỉ với TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, mà cần xây dựng trở thành mô hình quản trị công quốc gia.
|
Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy TP Hà Nội - đánh giá cao các kết quả mà TPHCM đã đạt được qua 40 năm đổi mới |
Ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, Trưởng đoàn công tác - đánh giá cao các kết quả mà TPHCM đã đạt được qua 40 năm đổi mới. Ông cũng đánh giá cao tinh thần khách quan, nhìn thẳng vào sự thật của lãnh đạo TPHCM khi chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đồng thời, TPHCM đã có những đề xuất, kiến nghị quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của tầm nhìn đến năm 2030, năm 2045.
Đưa TPHCM thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu Lãnh đạo TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, TPHCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. |
P.Thanh