Cần bốn hay sáu năm để đào tạo một giáo viên?

15/11/2020 - 09:08

PNO - Tranh cãi về việc so sánh đào tạo sư phạm với ngành y, chuyên gia nói cần thay đổi phương pháp và kiến thức, thay vì kéo dài thời gian đào tạo.

Tại Hội thảo "Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông", ông Nguyễn Phú Chiến - Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ băn khoăn về giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm hiện nay.

Ông Chiến cho rằng, hiện giảng viên của các trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm đa số là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để giảng dạy. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có nhiều trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông, thậm chí là rất ít.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Các giảng viên này sau đó sẽ đào tạo các giáo viên tương lai từ mầm non đến đại học. Như vậy liệu có đảm bảo giữa lý thuyết và thực tiễn hay không?”, ông Chiến đặt vấn đề.

Ông Chiến đề xuất ngoài xây dựng các trường thực hành trực thuộc, trường sư phạm cần liên kết với các trường phổ thông tốt hơn để ngoài những giờ lên lớp hằng ngày, sinh viên buộc phải tham gia quá trình giảng dạy thường xuyên, giống như mô hình các trường đào tạo ngành y.

“Như vậy sinh viên sẽ thường xuyên được trải nghiệm thực tế và quay trở lại cũng phục vụ tốt hơn cho việc học trên giảng đường", ông Chiến nói.

Từ đây, các nhà đào tạo nảy ra cuộc tranh luận: Có nên đào tạo giáo viên như bác sĩ?

Thầy Nguyễn Mạnh Tùng - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho biết: “Tôi cho rằng phải chú trọng chất lượng đào tạo, điều chỉnh thời gian thực hành, kiến tập nhưng không đồng nghĩa là đào tạo ngành sư phạm mà cần đến 6 năm như đào tạo ngành y. Điều chỉnh đào tạo sư phạm làm sao cho hợp lý. Tôi thấy hiện nay trong trường sư phạm đang quá sa đà vào những kiến thức cao cấp mà xem nhẹ kiến thức cơ sở, cũng như phương pháp dạy học”.

Thầy Tùng phân tích, hiện nay nhiều sinh viên sư phạm ra trường chỉ dạy từ bậc phổ thông trở xuống, nhiều kiến thức không sử dụng đến rất lãng phí, trong khi cái cần là học sâu về kiến thức cơ sở, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm thì lại yếu.

Quan trọng là điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp với yêu cầu làm giáo viên là học để đi dạy, chứ không phải học để nghiên cứu. Còn học để nghiên cứu thì dạy kiến thức cao cấp cho một vài lớp chất lượng cao theo kiểu đào tạo tinh hoa.

“Bản thân tôi cũng được đào tạo từ mái trường sư phạm, 20 năm trong nghề tôi thấy có nhiều thứ mình học nhưng không bao giờ sử dụng đến. Tôi nghĩ vẫn giữ nguyên thời gian đào tạo trong ngành sư phạm là 4 năm nhưng điều chỉnh lại kiến thức phù hợp yêu cầu đi dạy học. Cùng với đó là phải dành điều kiện tối đa cho sinh viên sư phạm tìm kiếm việc làm.

Dù thi đầu vào cao, đào tạo tốt nhưng xin việc quá khó khăn khiến nhiều sinh viên sư phạm giỏi rẽ ngang, bỏ luôn nghề sư phạm dù chưa đi dạy ngày nào. Điều này rất lãng phí. Ngoài ra, lương ngành sư phạm cũng phải cao tương đương với công an, quân đội. Giáo viên phải được ưu tiên vì giáo viên giỏi thì học trò mới tốt và xã hội mới tiến bộ”, thầy Tùng nói.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Tùng, lương ngành sư phạm cũng phải cao tương đương với công an, quân độihiện nay nhiều sinh viên sư phạm ra trường chỉ dạy từ bậc phổ thông trở xuống, nhiều kiến thức không sử dụng đến rất lãng phí
Theo thầy Nguyễn Mạnh Tùng, hiện nay nhiều sinh viên sư phạm ra trường chỉ dạy từ bậc phổ thông trở xuống, nhiều kiến thức không sử dụng đến rất lãng phí

Còn TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đào tạo ngành sư phạm giống ngành y ở việc chú trọng thực hành, chứ nếu chuyển đào tạo ngành sư phạm lên 6 năm giống ngành y thì không nên.

“Chẳng có nơi nào đào tạo sư phạm lên tận 6 năm cả. Tôi nghĩ, bản chất vấn đề ở đây là kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, giải quyết các tình huống sư phạm và chuyển bài học lý thuyết thành bài giảng cho học sinh như thế nào.

Hiện nay chúng ta đều thừa nhận việc sinh viên chỉ được kiến tập, thực tập thời gian ngắn là khiếm khuyết trong đào tạo ngành sư phạm. Vậy thì đào tạo sư phạm theo đúng mô hình của các nước khác đang làm đó là mô hình 4+1.

Tức là vẫn đào tạo 4 năm như hiện tại và tăng số lượng kiến tập, thực tập lên, chú trọng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Tôi nghĩ chỉ cần thế, kết hợp với tạo điều kiện trong tìm kiếm việc làm là đã có thể thúc đẩy chất lượng sinh viên sư phạm rồi”, TS. Lê Viết Khuyến nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI