Cán bộ y tế xài bằng giả chắc không chỉ có ở Thanh Hóa

14/01/2015 - 08:38

PNO - PNO - Thanh Hóa vừa công bố danh sách 20 cán bộ y tế dùng bằng chuyên môn giả, trong đó có người dùng bằng giả cả chục năm trời mà cơ quan chức năng chẳng hề hay biết. Chuyện thật mà cứ như đùa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mấy ngày trước, một bệnh nhân - nạn nhân tử vong vì bị thủng dạ dày mà bác sĩ mang ra mổ ruột thừa khiến gia đình phẫn uất mang cả di ảnh lên bệnh viện khiếu kiện. Chuyện tưởng đùa mà là thật.

Can bo y te xai bang gia chac khong chi co o Thanh Hoa

Nguồn ảnh: internet

Y tế không cho phép nhầm lẫn. Kể cả một chút xíu.

Thế nhưng, trong thời gian ngắn vừa qua, y tế Việt Nam đã có những pha nhầm lẫn kinh hoàng. 3 cháu bé tại Quảng Trị đáng lẽ phải được tiêm vắc xin viêm gan B thì y tá bệnh viện huyện đi tiêm thuốc độc, khiến cả 3 tử vong.

31 thai phụ đáng lẽ phải được tiêm vắc xin uốn ván thì Phó trạm trưởng Trạm y tế xã tiêm nhầm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván.

Từ ngày 1/1/2015, người đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, nếu trái tuyến, không được chi trả 30% nhưng người ta vẫn bấm bụng vượt tuyến.

Các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nội tiết Trung ương, K, Ung bướu TP.HCM, 115… lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Huyện, xã vẫn kêu cơ sở y tế được nâng cấp nhưng vắng bệnh nhân.

Vì sao? Vì người bệnh tin tưởng rằng, bệnh viện trung ương ít nhầm lẫn hơn bệnh viện địa phương. Dù có phải xếp hàng, chen lấn, đợi ròng rã từ sáng đến chiều để được khám và phát thuốc, người bệnh cũng gắng chịu, vì tính mạng con người là trên hết.

Thế nhưng, không phải lúc nào lòng tin của người bệnh cũng được đền đáp. Một số bệnh viện tuyến trung ương cũng từng bị người nhà bệnh nhân đến khiếu kiện vì để xảy ra chết người …

Con người luôn được coi là trung tâm, quyết định mọi sự thay đổi. Con người thay đổi được cơ sở vật chất, thay đổi được hạ tầng khám chữa bệnh, thay đổi được niềm tin của bệnh nhân về y đức.

Để làm được những điều này, con người cần có trình độ. Thế nhưng, sự thật về trình độ y bác sĩ ở Thanh Hóa vừa bị phanh phui: bằng điều dưỡng viên, bằng bác sĩ, kỹ thuật viên… đều bị làm giả. Bệnh viện tuyến cấp tỉnh cũng có bác sĩ dùng bằng giả. Bằng giả dùng trong những hơn 10 năm trời mà không ai hay biết (!?).

Bằng cấp không quyết định trình độ. Nhưng trình độ phải được thể hiện qua bằng cấp chân thực, không mua bán, làm giả.

Sinh viên học Đại học y Hà Nội ròng rã 5 năm trời, mất nhiều năm trời nữa để học đủ các chứng chỉ, kỹ năng mới được công nhận là bác sĩ. Tuy nhiên, để trở thành một bác sĩ giỏi, đó còn là cả một hành trình cực khổ tu luyện không mệt mỏi.

Tấm bằng giả không được đánh đổi bằng mồ hôi, máu, nước mắt của người học, có chắc chắn nó sẽ cứu được người bệnh, dù vị bác sĩ ấy có đổ máu, nước mắt, mồ hôi?

Tôi nghĩ rằng, cán bộ y tế dùng bằng giả không chỉ ở Thanh Hóa. Thật nguy hiểm cho cộng đồng khi cán bộ y tế là "tay ngang" dùng bằng giả. Nhưng cũng hết sức nguy hiểm khi người có bằng thật mà chuyên môn, y đức chỉ như một người dùng bằng giả.

NGUYỄN THÚY HẰNG (Hà Nội)

Nguồn tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, Thanh tra sở vừa hoàn tất quá trình rà soát bằng cấp của tất cả cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn. Theo kết luận, toàn tỉnh có 20 trường hợp dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm… dùng bằng chuyên môn giả. Trong đó, nhiều cán bộ đang công tác tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nội tiết.

Huyện biên giới Quan Sơn có 4 trường hợp bị phát giác (trong đó 3 cán bộ đang công tác tại bệnh viện đa khoa huyện và một trường hợp đang làm việc tại Trung tâm y tế huyện). Bệnh viện đa khoa TP. Thanh Hóa cũng có 2 cán bộ dùng bằng giả, Bệnh viện đa khoa Khu vực Ngọc Lặc có 2 trường hợp, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Triệu Sơn cũng có 2 trường hợp…

Trong số những trường hợp bị phát hiện, có người dùng bằng giả hàng chục năm nhưng cơ quan chức năng không hay biết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI